Friday, December 12, 2008

Chuyến bay tử thần vào đồi 31 Hạ Lào


Kingbee Bùi Tá Khánh.


Chuyện về cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh sang Hạ Lào nhằm cắt đứt đường mòn HCM đã được nhiều người viết ra. Ðầu tiên là nhà văn Phạm Huấn với quyển "Trận Hạ Lào năm 1971", rồi nhà văn nhảy Dù Lê Ðình Châu, đại uý đại đội trưởng đại đội công vụ nằm vòng đai bảo vệ cho Lữ đoàn 3 nhảy Dù trên đồi 31 cũng ra mắt quyển "Ðôi mắt người TùBinh", và anh Nguyễn Văn Long, thiếu uý sĩ quan phụ tá ban 2 Lữ Ðoàn 3 nhảy Dù vẫn thường xuyên viết về Hạ Lào cho Ðặc San Nhảy Dù ỡ Úc Châu. Ở đây, tôi chỉ ghi lại câu chuyện như là một mẩu hồi ức dưới mắt nhìn của một người lính Không Quân.

Tôi là một hoa tiêu phục vụ trong phi đoàn 219, thuộc Không Ðoàn 51, Sư Ðoàn I KQ trú đóng tại Ðà Nẵng. Phi đoàn 219 là hậu thân của biệt đoàn 83 với nhiệm vụ tiến hành cuộc chiến tranh thầm lặng trong bóng tối nhằm gây rối, phá hoại hậu phương của địch. Vì thế tất cả phi cơ của phi đoàn 219 chỉ sơn toàn bệt màu đen và xanh lá cây xẫm bên trên phần bụng trắng và không mang phù hiệu hay cờ gì cả ngoài số serial number mà thôi. Là một phi đoàn chỉ thi hành những phi vụ đặc biệt ngoài lãnh thổ và ngoài những cuộc hành quân bình thường, nhưng trong cuộc hành quân Lam Sơn 719, nằm trong kế hoạch được mệnh danh là Việt hoá chiến tranh, một cuộc hành quân quan trọng lần đầu tiên hoàn toàn do QLVNCH đảm nhiệm với sự yểm trợ tối thiểu của không lực Hoa Kỳ trong những ngày đầu với những loại trực thăng khổng lồ chuyên chở những xe cơ giới hạng nặng như xe ủi đất, lô cốt tiền chế, đại pháo 105 và 155 ly để QLVNCH dọn bãi thiết lập những căn cứ hoả lực đầu cầu trên đất Lào. Vì thế nên Quân Ðoàn I đã phải trưng dụng tất cả những đơn vị KQ trực thuộc Sư Ðoàn I KQ trong đó có phi đoàn 219. Như vậy phi đoàn chúng tôi, ngoài những phi vụ đặc biệt thường lệ, lại phải đảm nhiệm thêm việc yểm trợ cho Sư Ðoàn Dù, một trong 3 lực lượng nòng cốt trong cuộc hành quân Lam Sơn 719. Mỗi ngày phi đoàn 219 tăng phái một phi đội gồm 2 hoặc 3 chiếc H34 nằm trực chiến tại Khe Sanh, nơi đặt bản doanh Bộ chỉ huy tiền phương Sư Ðoàn Dù. Từ đây chúng tôi xuất phát những phi vụ tiếp tế lương thực, đạn dược cho các căn cứ hoả lực 29, 30 , 31 và các đơn vị hành quân lục soát bên ngoài căn cứ. Những phi vụ này thường là rất "hot", nhưng "hot" nhất vẫn là những phi vụ tải thương cho binh sĩ nhảy Dù khi có đụng độ với quân cộng sản Bắc Việt. Và chuyện này xảy ra như cơm bữa hàng ngày nên chúng tôi coi như pha. Chúng tôi cứ luân phiên nhau mỗi phi đội trực chiến cho Sư Ðoàn Dù 4 ngày rồi trở về Ðà Nẵng tiếp tục những phi vụ thường nhật.

Hôm nay đến phiên trực của chúng tôi. Phi đội gồm có 2 phi cơ do anh Chung tử Bửu lead, tôi copilot và Nguyễn văn Em là mêvô, chiếc thứ hai tôi chỉ nhớ hoa tiêu chánh là anh Yên. Chúng tôi vào phi đoàn nhận lệnh vào lúc 8 giờ sáng rồi chia tay nhau về nhà sửa soạn hành trang, hẹn gặp nhau lúc 10 giờ ngoài phi đạo 219.

Ðúng giờ hẹn, chúng tôi ra phi cơ làm tiền phi, check nhớt, xăng, load những cơ phận sửa chữa dự trữ, đồ nghề và anh em kỹ thuật 219 rồi cất cánh, trực chỉ Ðông Hà, Quảng Trị. Khoảng quá trưa thì chúng tôi ra đến Khe Sanh. Vừa đến nơi, không màng ăn trưa vì nóng lòng muốn cứu đồng đội nên chúng tôi quyết định phải vào ngay đồi 31 chứ không thể đợi lâu hơn được. Trong khi anh Bửu vào trình diện với Bộ Chỉ Huy Tiền Phương SÐ Dù để đặt kế hoạch cho chuyến bay thì tôi và mêvô Em đi check lại máy bay. Xăng vẫn còn đầy bình trước, dư sức bay không cần phải refuel.

Một lát sau từ phòng briefing ra, anh Bửu vắn tắt cho anh em biết về phi vụ quyết tử này. Chuyến vào chúng ta sẽ chở theo một tiểu đội tác chến điện tử Dù cùng với 18 chiếc máy "sensor" vào tăng phái cho căn cứ 31 dùng để phát giác đặc công địch, chuyến ra sẽ rước phi hành đoàn anh Nguyễn thanh Giang về. 15 phút trước khi lên vùng, pháo binh Dù sẽ bắn dọn đường mở một hành lang dọc theo quốc lộ 9, dập vào những địa điểm được ghi nhận có phòng không địch vì tình hình lúc này rất gây cấn, địch tập trung lên đến cấp tiểu đoàn phòng không gồm đủ loại từ 37 mm, 12ly7 và lần đầu tiên còn nghe có cả SA7 nữa. Về không trợ thì có 2 chiếc Gunship của phi đoàn 233 do trung uý Thục bay trước mở đường.

Trước đó trong lúc briefing, anh Bửu đã được nói chuyện trực tiếp với anh Giang từ trong đồi 31 và được biết, ngày hôm qua khi bay vào vùng anh Giang đã dùng chiến thuật "lá vàng rơi", từ trên cao cúp máy auto xoáy trôn ốc xuống, nhưng vì phòng không địch quá dày đặc nên khi gần đến đất, phi cơ anh bị trúng đạn rớt xuống gãy đuôi nằm bên cạnh vòng rào phòng thủ ngoài cùng của Lữ Ðoàn 3 Dù. Phi hành đoàn vô sự, chỉ có copilot là Võ văn On bị xây xát nhẹ ở cổ, tất cả chạy thoát được vào trong căn cứ Dù. Nhưng trước khi bỏ phi cơ, mêvô Trần hùng Sơn không quên vác theo cả cây M60 trên cửa máy bay nữa. Rút kinh nghiệm, hôm nay anh Bửu bay Rase Motte sát ngọn cây theo hướng Ðông-Tây đi vào. Trên đường bay dọc theo quốc lộ số 9 tôi còn nhìn thấy những cột khói bốc lên nghi ngút, chứng tỏ pháo binh Dù bắn rất chính xác và hiệu qủa. Gần đến LZ anh Bửu đổi hướng lấy cấp Ðông Nam-Tây Bắc để đáp xuống. Vừa ló ra khỏi rặng cây, tôi đã thấy chiếc Gunship của trung uý Thục bay vòng lại, cùng với tiếng anh la lên trong máy "Bửu coi chừng phòng không ở hướng Tây". Từ trên phi cơ nhìn xuống, giữa màu xanh trùng điệp của rừng cây nhiệt đới, ngọn đồi 31 đỏ quạch nổi bật với những đốm bụi đất tung lên từng cơn vì đạn pháo kích quấy phá của cộng quân bắc Việt. Không nao núng, anh Bửu vẫn điềm tĩnh tiếp tục đáp xuống. Khi phi cơ còn cách mặt đất độ 15 thước thì trúng một tràng đạn phòng không, phi cơ phát hoả, bùng lên một đám khói bao trùm cả phi cơ, mêvô Em la lên khẩn cấp trong máy "đáp xuống, đáp xuống anh Bửu ơi, máy bay cháy". Cùng lúc anh Bửu cũng cao tiếng báo động cho chiếc wing "Yên ơi, tao bị trúng đạn rồi, đừng xuống nữa" trong khi vẫn bình tĩnh đáp xuống. May mắn là đạn trúng vào bình xăng phụ đã hết xăng, chỉ còn ít hơi đốt, nên phi cơ không bắt cháy như phi cơ đại uý An ở Bù Ðốp hôm nào. Vừa chạm đất, theo phản xạ tôi cùng anh Bửu nhanh tay tắt gió, xăng, điện rồi nhảy ra khỏi phi cơ. Mọi người chạy ngược lên đồi về phía hàng rào phòng thủ thứ nhất của đại đội công vụ Dù cách khoảng 100 thước. Tôi còn tiếc chiếc xách tay quần áo nên phóng vào trong phi cơ để lấy. Một cảnh thương tâm hiện ra trước mắt, một binh sĩ Dù bị trúng đạn ngay giữa trán, nằm ngửa chết ngay trên ghế. Trên sàn tàu, đống máy "sensor" vẫn còn nguyên vẹn. Tôi chỉ kịp vớ lấy cái xách tay rồi phóng chạy lên đồi theo những tiếng kêu gọi của binh sĩ Dù "trên đây nè thiếu uý, tụi tôi bắn yểm trợ cho". Tôi lom khom chạy trong khi tiếng đạn nổ lóc chóc trên đầu. Lên đến nơi tôi thở như bò rống. Không quân mà hành quân dưới đất thì phải biết là mệt đến đâu. Tôi nhớ mãi hôm đó là ngày 22 tháng 2 năm 1971.

Vừa ngồi nghỉ mệt, tôi vừa nhìn xuống bãi tải thương nơi chiếc phi cơ đang đậu hiền lành, thì cũng vừa lúc địch điều chỉnh tác xạ, một quả đạn đạn súng cối rơi trúng ngay tàu nổ tung, bốc cháy khói đen mù mịt cả một góc trời. Tôi nhìn con tàu xụm xuống, lòng quặn lên. Con tàu thân thương đó đã gần gụi với mình lâu nay, giờ thành một đống sắt vụn.

Một lát sau, theo chỉ dẫn của anh em binh sĩ Dù, chúng tôi men theo giao thông hào lần về đến ban chỉ huy Lữ Ðoàn 3 Dù. Gặp lại phi hành đoàn anh Giang, On, Sơn anh em chúng tôi mừng rỡ thăm hỏi rối rít. Chúng tôi được giới thiệu với các sĩ quan trong ban tham mưu Lữ Ðoàn 3. Ðầu tiên là đại tá Thọ lữ đoàn trưởng Lữ Ðoàn 3, thiếu tá Ðức trưởng ban 3, dại uý Trụ phụ tá ban 3, đại uý Nghĩa sĩ quan liên lạc KQ, trung uý Chính sĩ quan Không trợ Dù, thiếu uý Long phụ tá ban 2. Về phía pháo binh thì có trung tá Châu tiểu đoàn trưởng và đại uý Thương trưởng ban 3 thuộc tiểu đoàn 3 pháo binh Dù. Ðại tá Thọ mừng anh em "mới đến" mỗi người một điếu Havatampa và một ly Hennessy để lấy lại tinh thần. Tôi ngạc nhiên vô cùng, đi đánh giặc, nằm ở tuyến đầu ác liệt vậy mà mấy "ông" nhảy Dù vẫn thản nhiên hút sì-gà Cuba và uống rượu Mỹ như máy! Quả các anh ăn chơi cũng dữ mà đánh giặc cũng chì thật.

Buổi chiều vùng rừng núi trời tối thật nhanh, chúng tôi dùng tạm bữa cơm dã chiến với ban tham mưu Lữ Ðoàn rồi chia nhau ngủ ké với anh em Dù. Tôi được ngủ chung một hầm với anh Nguyễn quốc Trụ, một sĩ quan trẻ xuất thân khóa 20 trường Võ Bị Ðà Lạt. Anh cũng là anh ruột của trung uý Nguyễn hải Hoàn, một hoa tiêu chánh trong phi đoàn tôi. Tin tức chiến sự mỗi ngày một căng thẳng hơn vì đối với cộng sản bắc Việt, sự hiện diện của căn cứ 31 trên hệ thống đường mòn HCM như một lưỡi dao đâm thẳng vào yết hầu của chúng. Vì thế cộng quân đưa thêm quân vào tạo áp lực nặng nề lên căn cứ 31 với ý định đánh bật căn cứ này ra khỏi sinh lộ của chúng.

Hai hôm sau, vẫn không có chuyến bay tiếp tế nào vào được vì địch quân luôn di động dàn phòng không của chúng khiến KQVN và HK không phát huy được ưu thế của mình. Mỗi sáng, chỉ có 2 phi tuần F4 đến ném bom vài khu vực khả nghi chung quanh đồi 31 và thỉnh thoảng mới có một đợt B52 rải thảm ì ầm xa xa vọng đến rồi mọi sự lại chìm vào rừng núi trùng điệp. Ngược lại, quân bắc Việt tập trung bao vây, tăng cường pháo kích suốt ngày nhằm quấy rối và làm tiêu hao lực lượng Dù.

Sáng ngày 25 tháng 2 năm 1971, chúng tôi nhận được lệnh và khởi sự di chuyển ra các hầm cứu thương sát bãi đáp chờ đến trưa đích thân phi đoàn với 3 chiếc H34 sẽ vào tải thương binh Dù đồng thời bốc 2 phi hành đoàn ra. Tôi và anh Bửu cùng vài thương binh Dù nấp chung với nhau trong một hầm trú ẩn. Ðến trưa khi chúng tôi bắt đầu nghe tiếng máy nổ quen thuộc xa xa thì cũng là lúc địch khởi đầu trận "tiền pháo" dồn dập lên đồi 31. Qua lỗ châu mai từ trong hầm cứu thương nhìn qua bên kia đồi đối diện, cách nhau một cái yên ngựa, tôi thây rõ hai chiếc xe tăng T-54 của cộng quân tiến lên xếp hàng ngang, cùng với quân tùng thiết dày đặc chung quanh nhắm đỉnh đồi chúng tôi mà nhả đạn. Những tia lửa từ nòng súng phụt ra, tôi và anh Bửu thụp đầu xuống cùng nhìn nhau như nhắc nhớ câu mà anh em trong phi đoàn thường nói với nhau mỗi khi lên đường hành quân "Trời kêu ai nấy dạ!".

Ngòai kia, trong từng giao thông hào binh sĩ Dù chống trả mãnh liệt, nhất là những pháo thủ pháo đội C trên căn cứ 31, với những khẩu pháo đã bị hỏng bộ máy nhắm vì pháo kích của địch, họ phải hạ nòng đại bác để bắn trực xạ thẳng vào xe tăng địch bên kia đồi và trong những loạt đạn đầu tiên đã hạ ngay được 2 chiếc T54. Nhưng để trả giá cho hành động dũng cảm này nhiều binh sĩ Dù đã nằm xuống, có người nằm chết vắt trên những khẩu pháo của họ, trong số này có cả pháo đội trưởng Nguyễn văn Ðương, người đã là niềm hứng khởi cho một nhạc phẩm nổi tiếng sau đó. Chúng tôi vui sướng reo mừng trong hầm bên này. Không ngờ, chỉ mỗt lúc sau 2 xe tăng khác ở phía sau tiến tới ủi những chiếc xe cháy xuống triền đồi rồi lại hướng súng đại bác về đồi chúng tôi mà bắn! Sau vài loạt đạn, một phi tuần 2 chiếc F4 xuất hiện nhào xuống oanh tạc vào đội hình địch, và lại phá hủy thêm 2 xe tăng nữa. Trong tiếng bom đạn tơi bời, tôi vẫn nghe văng vẳng tiếng máy nổ của những chiếc H34 đang vần vũ trên cao như lo lắng cho số phận những đồng đội của mình. Cho đến khoảng 5 giờ chiều thì địch tràn lên chiếm được đồi. Chúng lùng xục từng hầm trú ẩn kêu gọi binh sĩ Dù ra đầu hàng. Biết không thể làm gì hơn, tôi và anh Bửu tháo bỏ súng đạn cá nhân, chui ra khỏi hầm.

Về phía KQ, tôi, anh Bửu, On và Sơn bị trói bằng dây điện thoại và bị dẫn giải ra bắc Việt chung với tất cả tù binh khác. Không thấy anh Giang và Em đâu. Chúng tôi bắt đầu thăm hỏi các SQ và binh sĩ Dù trên đường đi. Cuối cùng tôi gặp được anh Long là người ở chung trong hầm với anh Giang khi cộng quân kêu các ra đầu hàng. Ðến lần thứ 3 các anh vẫn không chịu ra nên chúng thảy lựu đạn chày và bắn xối xả vào hầm. Anh Long chỉ bị thương nhẹ nên chúng bắt theo còn anh Giang vì bị thương nặng gãy cả 2 chân không đi được nên bị chúng bỏ lại và chết ở trong hầm. Về phần mêvô Em thì bị lạc đạn trúng bụng đổ ruột ra ngoài, khi bị bắt dẫn đi Em cứ 2 tay ôm bụng giữ lấy ruột mà không hề được băng bó vết thương nên đi được một khoảng không chịu được đau đớn Em gục chết ở bên đường.



Thế là 219 ghi thêm vào quân sử của mình một thiệt hại 2 phi hành đoàn trên chiến trường Hạ Lào. Trong đó anh Giang và Em đã vĩnh viễn ở lại trên đồi. Ngọn đồi quyết tử 31. Những người còn lại của 2 phi hành đoàn đó là Bửu, On, Khánh và Sơn thì sa vào tay địch, bị đưa đến những bến bờ vô định, biết còn có ngày về hay không?



Viết để nhớ đến tất cả những chiến sĩ anh hùng đã thành danh hay vô danh, vẫn còn sống hay đã hy sinh cho quê hương đất nước. Sau 31 năm it ra tên tuổi các anh vẫn còn được nhắc đến một lần.

Tháng 11 năm 2002

Bùi Tá Khánh

Friday, June 20, 2008

19 Tháng 6 năm 2008



Ngày 19/06/2008 - Phan nhật Nam

Cờ bay!
Cờ bay!

Giữa vũng lửa

Trầm trầm dân, lính nước mắt ứa

Một lần Cờ bay Vàng thành xưa

Bao phần máu xương Người Việt đổ...

Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ là chung của tất cả Chúng Ta - Dân Tộc nơi Phương Nam dựng phận nghiệp Khổ Đau nhưng Siêu Việt. Cờ Vàng Ba Sọc đỏ là mối biễu tượng thuần thành, chính thống nhất. Bởi Cờ đã dựng lên uy nghi suốt giải quê hương từ Ải Nam Quan, miền núi cực bắc Đồng Đăng, Cao Bằng, Lạng Sơn, đến Mũi Cà Mâu, vùng đầm lầy Quản Long, An Xuyên, cuối nguồn Cửu Long, Sông Cái.

Dẫu Cờ mất đi quyền hiện diện chính trị.

Nhưng Cờ vẫn linh thiêng vĩnh hằng tồn tại nơi trái tim, và hơi thở chúng ta.

Cờ bay không ngừng như máu chảy tự thân.

Lá Cờ Vàng - Nền Cộng Hòa - Tổ Quốc Việt Nam là Một.

Ngày 26 Tháng Mười, Năm 1955, nền Cộng Hòa khai sinh ở Thủ Đô Sài Gòn với danh hiệu chính thức: Việt Nam Cộng Hòa thay thế danh hiệu Quốc Gia Việt Nam, thể chế chính trị thành hình từ 8 tháng Ba, 1949, ngày Hiệp Ước Elysée ký kết giữa Tổng Thống Cọng Hòa Pháp Vincent Auriol và Quốc Trưởng Bảo Đại chấm dứt 65 năm thuộc Pháp (1884-1949). Chức vụ nguyên thủ quốc gia, "Tổng Thống thay thế danh xưng Quốc Trưởng". Ngày 8 tháng 3, 1956, Quốc Hội Lập Hiến Việt Nam Cộng Hòa chính thức công bố Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ là Quốc Kỳ, Quốc Huy của nước là hình Cây Trúc biễu tượng Tinh Thần Chính Nhân, Đại Nghĩa của Dân Tộc Việt Nam. Chúng ta hôm nay cần nhắc lại những sự kiện, thời điểm lịch sử kể trên để cùng nhau xác chứng lại một điều hiễn nhiên: Lá Cờ Vàng, danh hiệu Việt Nam Cộng Hòa là một Thực Thể Chính Trị- Biễu Tượng Quốc Gia- Lý Chính Nghĩa- Sức Chiến Đấu của vạn, triệu Người Việt dài theo cùng Thế Kỷ 20 và trước đây, lẫn mai hậu. Dẫu hôm nay có những âm mưu đê tiện, thâm độc đòi xoá bỏ đi biễu tượng cao quý nhiệm mầu trên vì nại cớ chúng đã có liên hệ với những nhân sự, vụ việc gây nhiều lầm lỡ của giai đoạn từ sau cuộc đại chiến thế giới lần hai (1945) đến ngày thiên thu uất hận 30 tháng 4, 1975. Chúng ta phải vô cùng sáng suốt cảnh giác trước mưu hiễm của kẻ nghịch cùng đồng lõa và kiên trì giữ vững niềm tin, sức chiến đấu: Bởi máu của anh em ta, của cả dân tộc khổ nạn đã tô thắm thêm ba đỏ vạch sắc son nầy. Và Cộng Hòa không chỉ là danh xưng về thể chế chính trị, nhưng là mục đích tối thượng của toàn khối Người Việt luôn kiên tâm thực hiện Sống xứng đáng Giá Tri. Con Người, giữ gìn bền bỉ Phẩm Tính Dân Tộc. Nền Cộng Hòa, Cờ Tam Tài "Xanh-Trắng-Ðỏ" luôn là biễu tượng huy hoàng, vĩ đại của Dân Tộc Pháp, và cũng của toàn nhân loại về nỗ lực thực hiện ý niệm "Cộng Hòa-Tự Do Dân Chủ", dẫu Cách Mạng 1789 phải trả bằng giá máu kinh hoàng của bao người vô tội do tay những kẻ khủng bố tàn nhẫn. Mao Trạch Đông đã không tùy nghi vô cớ liên kết cách mạng vô sản với cuộc Chiến Tranh Nha Phiến 1884 giữa Triều Đình nhà Thanh với những đại cường Tây Phương trong buổi lễ vĩ đại ngày 1 tháng 10, 1949 nơi Quảng Trường Thiên An Môn mừng lần thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân - Bởi đấy là Truyền Thống chiến đấu giữ nước của Dân Tộc Trung Hoa. Chúng ta không thể tạo dựng nên điều vô cớ, bởi lá Cờ Vàng quả thật đã thấm đẫm lượng máu vô hạn của lớp lớp Người Việt quyết tử để Dân Tộc tồn sinh. Giòng máu oanh liệt của nhị vị Trưng Nữ Vương hòa xuống Hát Giang năm 43 lúc nước vừa mới tượng hình được tiếp nối với lượng sóng sông Bạch Đằng của kỳ giữ nước quang vinh, Thế Kỷ 13 quân Nhà Trần đánh tan ba lần đạo binh bách thắng Nguyên Mông. Từ bậc quân vương, đến người lính đầu bạc, cũng như ngựa đá phải chồn chân, hãn huyết xông lên trận tiền giữ nước. Đấy cũng là giòng máu kiên trung, hiến thân cho mệnh nước hằng tuôn chảy không ngừng khi Chiến Hạm Nhựt Tảo-Hải Quân 10 chìm xuống, hòa lẫn màu biển Hoàng Sa ngày 19 tháng 1, 1974, cùng thân xác Hạm Trưởng Ngụy Văn Thà, và những Người Lính Hải Quân Quân Lực Cộng Hòa giữ gìn trời, biển phương Nam. Thế nên, Cờ không chỉ giới hạn là biễu hiện của riêng những chế độ cầm quyền, với Quốc Gia Việt Nam hay hai nền Cộng Hòa. Và Cộng Hòa là ý niệm tối thượng của cuộc sống- chiến đấu bất tận trên vùng đất lửa phương Nam. Dẫu sống vô cùng nguy biến đau thương như hằng hằng những đoàn người chạy loạn cộng sản-Từ cuộc di cư vĩ đại năm 1954 rời bỏ Miền Bắc; lần chạy nạn Tổng Công Kích Mậu Thân 1968; cảnh Mùa Hè Đỏ Lửa suốt ba vùng đất nước năm 1972, và lần oan khốc uất hận khi mất Cao Nguyên từ ngày 10 tháng 3, 1975 để đến hôm nay hiện thực với hai triệu người có mặt ở hải ngoại ố Những NGƯỜI VIỆT TY. NẠN CỘNG SẢN ĐỂ THỰC HIỆN Ý NIỆM CỘNG HÒA. Vậy, chúng ta phải khẳng định lại thêm một lần: Lá Cờ Vàng - Danh Hiệu Cộng Hòa là sức mạnh chuyển giòng đấu tranh xuyên suốt lịch sử từ những lần vị quốc vong thân sáng ngời trung liệt của Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương khi thành mất; của Trương Công Định, liệt sĩ Vàm Láng, Gò Công; của Nguyễn Trung Trực với chiến công vang động giòng Vàm Cỏ, Long An: "Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa. Kiếm bạc Kiên Giang khốc quỷ thần", cho đến lần Cờ lên trên Kỳ Đài Cố Đô Huế, sáng Mùa Xuân Mậu Thân, 24 tháng Hai, 1968..

Quân dân ta nên một lần bật khóc

Khi lá Cờ Vàng Ba Sọc

Lừng lững lên cao

Giữa mờ sương xứ Huế sáng Xuân nào!

Danh hiệu Cộng Hòa bao gồm trong lời hô uy dũng của mười ba Liệt Sĩ Quốc Dân Đảng "Việt Nam Độc Lập Muôn Năm" nơi Yên Bái, sáng sông núi gờn gợn đau thắt, 17 tháng 6, 1930, không khác ý niệm quyết tử "Việt Nam Cộng Hòa Muôn Năm" của trung đội lính Nhảy Dù do Thiếu Úy Huỳnh Văn Thái chỉ huy, đã chọn giây phút báo đền ân nghĩa quê hương với chính xác thân mình nỗ tung bởi trái lựu cuối cùng, buổi sáng 30 tháng Tư, 1975 nơi bùng binh Ngã Sáu, Chợ Lớn. Danh hiệu Cộng Hòa linh thiêng kia đã bừng lên soi rạng khoảng trời đất u tối sáng 29 tháng 4, 1975 khi chiếc Hỏa Long C119 của Trung Úy Nguyễn Văn Thành bốc cháy trên không gian Tân Sơn Nhất, Gia Định. Và giá trị Cộng Hòa mải mải tồn tại trong thanh âm quyết liệt của Hồ Ngọc Cẩn, Trần Văn Bá khi đối diện với nòng súng của trung đội hành hình. Chúng ta hôm nay cũng tương tự tình cảnh của những người Việt lưu vong đầu thế kỷ ở Sa Khôn, Thái Lan, với tất lòng đau xót như đã một lần được Tú Tài Đặng Thúc Hứa, đồng chí của nhị vị tiền bối Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh diễn dạt khi nhớ về quê nhà đang trong cơn điêu linh nhục thãm:

Vùng Quê Hải, gió tanh mưa máu, án ba đào vì tình thế xui nên.

Cõi Viêm Bang, núi thịt cồn xương, nỗi bi thảm xưa nay chưa có.

Ngoài ngàn dặm trông về cố quốc,

Non sầu bể thảm, quặn ruột gan chín khúc tơ vò.

Cuộc trăm năm tưởng tới đồng tâm,

Cỏ úa hoa dàu, dẫu sắt đá cũng hai hàng lệ nhỏ.

Nỗi Đau cào xé nầy luôn bừng bừng cùng mối Ước Nguyện sắc son - Lần dựng lên trong nắng Miền Nam mầu uy nghi rực rỡ Cờ Vàng, và câu hát đã một lần vang động núi sông lẫm liệt cảm động ánh sáng vĩnh cửu Cộng Hòa.

Cờ bay! Cờ bay!

Trên thành phố thân yêu

Vừa chiếm lại đêm qua bằng máu!! CHÚNG TA PHẢI HÁT LẠI THÊM MỘT LẦN CÂU HÁT BI HÙNG NẦY TRÊN TOÀN CÕI QUÊ HƯƠNG

Viết để nhắn nhở, vững tin Nghĩa Lớn - Việt Nam Cộng Hòa

26 Tháng Mười, 1955 — 26 Tháng Mười, 2002. Phan nhật Nam

Wednesday, June 18, 2008

Người Lính QLVNCH



NGƯỜI LÍNH QLVNCH

" ĐÂY LÀ TIẾNG NÓI NƯỚC VIỆT NAM
PHÁT THANH TỪ THỦ ĐÔ SAIGÒN ..."
Cho đến nay tiếng nói ấy vẫn còn
Vang vọng mãi trong trái tim Ngưòi Lính .

Là hình ảnh của một thời ổn định
Là tiền đồn của Thế Giới Tự Do
Của miền Nam nước Việt rất ấm no
Là thành luỹ mang hồn thiêng sông núi .

Người Lính trẻ đã một thời giong ruổi
Đem tình người, tình lính trấn biên cương
Vẫn một lòng chung thủy với quê hương
Dù oan nghiệt rẽ đời qua trăm hướng .

Người Lính chúng tôi tuy không Sinh Vi Tướng
Cũng hiên ngang chấp nhận Tử Vi Thần
Trọn một lòng chỉ vì Nước ,vì Dân
Dâng hiến cả đời mình cho Tổ Quốc .

Từ Quảng Trị rét căm mùa gió bấc
Đến Cà Mau mưa lũ ngập đồng sâu
Vết giày Saut lội bất cứ nơi đâu
Để mang lại Tin Yêu và Lẽ Sống .

Người Lính chúng tôi mang trái tim hào phóng
Của tuổi đời đẹp nhất : lúc đôi mươi
Làm nguồn vui nơi tuyến đầu lửa bỏng
Trong gian truân vẫng nồng ấm nụ cười .

Dù đôi lúc có hoang mang , phẫn nộ
Hay chán chường vì dấu ấn chiến tranh
Nhưng nỗi buồn cũng tan biến rất nhanh
Khi đối diện với kẻ thù ngoài mặt trận .

Rồi cũng đến lúc chào thua số phận
Khi tàn vong đành Nước mất , Nhà tan
Vì thế cùng , lực tận , chỉ thở than :
Thân nhược tiểu, xót thầm , ôi ngang trái !

Người Lính chúng tôi không hề chiến bại !
Chỉ chào thua định mệnh đã an bài
Bởi cô thế đành nương thân hải ngoại
Chờ bình minh quang phục của ngày mai .

HUY VĂN

Tuesday, June 17, 2008

QLVNCH 30 năm nhìn lại



Thành Quả và Sai Lầm: Nhìn Lại Quân Lực VNCH 30 Năm Sau Cuộc Chiến

Nguyễn Kỳ Phong

Nguyễn Kỳ Phong, sanh năm 1956, tị nạn cộng sản ở Mỹ từ năm 1975, là tác gỉa hai dịch thuật, Hành Quân Lam Sơn 719 (nguyên tác Anh ngữ, Operation Lamson 719, của thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh), và Những Ngày Cuối của Việt Nam Cộng Hòa (nguyên tác, The Final Collapse, của đại tướng Cao Văn Viên). Đã xuất bản một tác phẩm nghiên cứu về quân sử, Người Mỹ và Chiến Tranh Việt Nam. Một tác phẩm mới với tựa là, Vũng Lầy của Tòa Bạch ốc, sẽ được Tủ Sách Tiếng Quê Hương mắt vào trung tuần tháng 4 năm nay.
Nhìn lại Quân Lực VNCH 30 năm sau cuộc chiến
Ngày 30/03/2006 - Nguyễn Kỳ Phong (1)

Lần đầu tiên, hơn ba mươi năm sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, một trung tâm nghiên cứu đã tổ chức hội thảo về vai trò của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH) trong cuộc chiến. Nhiều trung tâm nghiên cứu và đại học ở Hoa Kỳ trong quá khứ đã tổ chức nhiều hội thảo về chiến tranh Việt Nam, nhưng chỉ về chiến tranh Việt Nam như là chủ đề chính, chứ không bàn sâu về vai trò của QLVNCH. Với đề tài ARVN: Reflections and Reassessments After 30 Years (QLVNCH: Hồi Tưởng và Tái Thẩm Định Sau 30 năm), The Vietnam Center (Trung Tâm nghiên cứu về Việt Nam) của đại học Texas Tech tổ chức hai ngày hội thảo cho chủ đề riêng biệt về vai trò của QLVN

Theo những gì được biết, ý kiến tổ chức buổi hội thảo có chủ đề dành riêng cho QLVNCH đến từ ông Nguyễn Xuân Phong (2), một viên chức của trung tâm. Theo ông Phong nhận định, nói về chiến tranh Việt nam mà không nhắc đến vai trò của QLVNCH thì tất cả những bàn luận trở thành vô nghĩa. Và trung tâm hoàn toàn đồng ý về nhận xét của ông Phong. Cuộc hội thảo là kết quả của nhận định đó.

Trong hai ngày hội thảo, có tất cả 29 diễn giả gồm 17 người Mỹ và 12 Việt. Đề tài thảo luận rất bao quát: từ cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh qua Hạ Lào vào tháng 2/1971, cho đến trận phản công của QLVNCH trong trận “Mùa Hè đỏ Lửa” vào năm 1972; từ trận đánh giữa tiểu đoàn 4 Thuỷ quân Lục chiến (TQLC) và hai trung đoàn Việt Cộng ở Bình Giã năm 1964, cho đến trận hải chiến giữa Hải Quân VNCH và Trung Cộng ở quần đảo Hoàng Sa năm 1974. Một vài đề tài hơi đi xa chủ đề (Thiếu Thốn; Cuộc Đời Dang Dở; Chống Mỹ: Những Phong Trào Biểu Tình của Thương Phế Binh, 1970-1971; hay là, TQLC Hoa Kỳ và Những Cố Gắng Trong Kế Hoạch Chống Du Kích và Bình Định ở Việt Nam).

Tựu trung, tất cả những bài thuyết trình đều đi sát đề tài và thu hút được sự chú ý của thính giả. Đặc sắc nhất là khi anh Nguyễn Văn Kiệt (cựu hạ sĩ quan của Liên Đoàn Người Nhái) kể lại chuyện anh và một sĩ quan lực lượng đặc biệt Hải Quân Hoa Kỳ (SEALs) đi vào lòng đất địch để cứu một Trung tá phi công bị bắn rơi ở trên bờ sông Thạch Hãn. Trước chuyến giải cứu thành công của anh Kiệt, Hoa Kỳ đã bị thiệt hại 6 phi công và 9 phi cơ để cứu người Trung tá này. Dù với khả năng Anh ngữ trung bình, anh Kiệt đã làm cho thính giả vổ tay vang vội vì sự chân thật trong câu chuyện anh kể. Quan khách đã đứng lên vổ tay nhiệt liệt khi anh kết thúc câu chuyện thật lý thú, đầy hồi hộp đó. Chuyện giải cứu này trước đây đã được viết ra ba quyển sách, và đã làm thành phim với tựa đề The Rescue of Bat-21 (Cuộc Giải Cứu - phi công có bí hiệu - Bat-21).

Phía người Việt tham dự cuộc hội thảo có nhiều thành phần khác nhau: với những viên chức chánh phủ như cựu Đại sứ Bùi Diễm, ông Nguyễn Ngọc Bích; phía quân nhân có cựu Trung tướng Lữ Lan, Đại tá Mai Viết Triết (một trong những sĩ quan đầu tiên của Liên Đoàn 77 Quan Sát Địa Hình, tiền thân của Lực Lượng Đặc Biệt và Phòng 7 về sau), Thiếu tá TQLC Trần Ngọc Toàn, một sĩ quan đã tham dự trận Bình Giả năm 1964), Hải quân Đại tá Đỗ Kiểm,... và một số cựu sĩ quan khác của QLVNCH. Tương tự, phía dân sự cũng có một tập hợp của nhiều thành phần và kiến thức chuyên môn khác biệt - từ một dân sự chưa một ngày ăn cơm cháy nhà binh như tác giả bài viết này, cho đến những sinh viên ban Tiến sĩ thật trẻ, như hai cô Julie Phạm (29 tuổi, đại học Berkeley), Nguyễn T. Liên-Hằng (34 tuổi, đại học Harvard) hoặc hai thanh niên tuổi dưới ba mươi, Hoàng Tuấn (đại học Notre Dame) và Nguyễn Minh Triết (đại học Ottawa) và ông Nguyễn Văn Tín (em trai cố thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu) tuổi đã ngoài 60.

Phía Hoa Kỳ, phái đoàn tham dự cũng có một sắc thái tương tự - dân sự, hàn lâm, và cựu chiến sĩ. Người mở đầu cuộc hội thảo là Tiến sĩ Lewis Sorley, một cựu sĩ quan đã tham dự chiến tranh Việt Nam từ ngày đầu cuộc chiến. Sau khi trở lại Mỹ, Sorley chuyển sang làm việc cho CIA và là một nhân viên cao cấp của cơ quan tình báo này. Sorley, lúc còn sĩ quan cấp tá, là bạn cùng khóa ở trường Tham Mưu Trung Cấp Lục Quân Hoa Kỳ (Fort Leavenworth, Kansas) với Đại tá Hà Mai Việt. Ra trường võ bị West Point năm 1965, bạn cùng khóa với ông là những Đại tướng như Norman Schwarzkopf, John Foss, John Shaud, hay Trung tướng Dave Palmer, một cố vấn cho trường Võ bị Đà Lạt trong đầu thập niên 1970. Sorley còn là tác giả của The Abrams Tapes, một tác phẩm công phu viết về cơ cấu quân đội Hoa Kỳ ở Việt Nam. Những người khác như Trung tá James Willbanks, một sĩ quan đã tử thủ trận An Lộc chung với sư đoàn 5 Bộ Binh trong trận Mùa Hè Đỏ Lửa, và hiện nay là trưởng khoa quân sử của trường Tham Mưu Trung Cấp Lục Quân Hoa Kỳ; Đại tá Darrell Whitcomb, một trong những phi công bay yểm trợ và chỉ điểm cho cuộc giải cứu Bat-21; một sĩ quan cố vấn khác, ông Bill Laurie, đã làm cho thính giả Việt Nam thích thú khi anh ta tuyên bố - bằng tiếng Việt, giọng miền Nam - là anh ta đã ngồi nhậu với lính VNCH ở rất nhiều quán cóc trên bốn vùng chiến thuật! Ngoài ra, phía dân sự có nhiều người trong giới hàn lâm tham dự: một giáo sư chưa đầy 34 tuổi, tốt nghiệp Tiến sĩ từ đại học Harvard và Cambridge (London). Anh ta lên viết về cơ cấu của Kế Hoạch Phụng Hoàng. Hiện nay anh là giáo sư thực thụ của trường tham mưu trung cấp TQLC Hoa Kỳ.

Một Tiến sĩ khác, Anrew Wiest, cũng trong khoảng tuổi hơn ba mươi, thuyết trình về hai khuôn mặt trái ngược của hai quân nhân VNCH trong cuộc chiến. Một người hùng là Trung tá Trần Ngọc Huệ, Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn 2/Trung đoàn 2/Sư đoàn 1 Bộ Binh, người đã dẫn tiểu đoàn nhảy trực thăng vào chiếm Tchepone ở Hạ Lào năm 1971, rồi từ đó phải đánh bằng đường bộ để triệt thoái ngược về biên giới Việt Nam với tiểu đoàn chỉ còn lại 26 người. Người sĩ quan kia, Trung tá Phạm Văn Đỉnh, người đã đem nguyên Trung đoàn 56 (Sư doàn 3 Bộ Binh) đầu hàng cộng sản Bắc Việt vào trận Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, khi Trung đoàn 56 bị ba Sư đoàn CSNV bao vây, rồi sau đó lên đài phát thanh của cộng sản kêu gọi những quân nhân ở những trung đoàn còn lại đầu hàng. Anrew Wiest hiện nay là Trưởng một Trung tâm Nghiên cứu về Chiến tranh Việt Nam ở đại học Mississippi. Chúng ta cũng thể không nhắc đến ông giám đốc Trung Tâm Việt Nam của đại học Texas Tech, người đã đứng ra tổ chức cuộc hội thảo: Tiến sĩ James R. Reckner là cựu sĩ quan cố vấn cho một giang đoàn xung phong của Hải Quân Việt Nam (Giang Đoàn 26 Xung Phong) hoạt động dọc theo Kinh Vĩnh Tế. Rất lý thú khi ngồi nghe ông kể lại cuộc đời chinh chiến của ông trên những kinh rạch, sông ngòi, ở miền Nam, hay xa hơn về phía biên giới Miên như Tân Châu, Hồng Ngự ở Châu Đốc.

Trong chuyến đi tham dự hội thảo, tham dự viên được mời tận vào phòng sách tham khảo và nghiên cứu của trung tâm. Và phải thành thật mà nói, đây là một kho tàng cho những người nghiên cứu về Việt Nam -không nhất thiết chỉ về quân sự hay quân sử, mà tất cả mọi phương viện về Việt Nam như một quốc gia. Nguồn gốc trung tâm bắt đầu vào năm vào năm 1989, khi đại tướng Westmoreland (tư lệnh MACV, rồi sau đó tư lệnh Lục Quân), Đô đốc Elmo Zumwalt (Tư lệnh Hải Quân ở Việt Nam, rồi Tư lệnh Hải Quân Hoa Kỳ), Thứ trưởng William Bundy, Đại sứ Bùi Diễm, cùng Tiến sĩ Reckner ngồi xuống quyết định xây dựng một trung tâm tàng trữ thư liệu về Việt Nam. Hơn hai năm sau, trung tâm được sự cộng tác quan trọng của tác giả Douglas Pike (3), khi ông này dọn nguyên thư viện cá nhân của ông từ viện đại học Berkeley ở California về. Ông Pike là một học giả về Việt Nam và chiến tranh Việt Nam, thư viện riêng của ông gồm có hơn bảy triệu trang tài liệu; 15 ngàn quyển sách; và ba ngàn phim ảnh đủ loại.

Phải nói đây là một thư viện nghiên cứu thứ thiệt! Từ những bộ sách như Công Báo Việt Nam (do Việt Tấn Xã in, tiếng nói chánh thức của chính phủ VNCH) đến những bộ sách về liên hệ Việt-Pháp của thập niên 1800, cho đến những báo cáo tối mật đã được giải mật của CIA, bộ Ngoại Giao, cho đến những tường trình về quân sự, hồ sơ về trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức,... tất cả thật chi tiết, tất cả có thể cho người đọc một quá khứ thật rõ ràng về VNCH nói riêng và về Viêt Nam nói chung. Người viết bài này có dịp cầm trên tay một tài liệu nói về những khóa đầu tiên của trường sĩ quan Thủ Đức. Trong đó nhiều chi tiết thật lý thú. Thí dụ, nhìn vào Khóa 1 Nam Định, chúng ta thấy tên người sĩ quan thủ khoa là Thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh; khóa có 255 khóa sinh, nhưng chỉ có 218 người ra trường với cấp bậc Thiếu úy, số còn lại là Chuẩn úy vì điểm đậu dưới tiêu chuẩn. Ngoài những chi tiết đó, chúng ta còn biết các sĩ quan có tên ra trường hạng thứ mấy trong khóa đó. Chẳng hạng như Chuẩn tướng không quân Đặng Đình Linh đậu hạng 208 (trên 218 sinh viên); Đại tá cựu Thẩm quán quân sự Nguyễn Cao Quyền hạng 19; Trung tướng TQLC Lê Nguyên Khang hạng 75; Phan Phụng Tiên hạng 31...

Trong khi đó, Khóa 1 Thủ Đức có tất cả 311 sinh viên thụ huấn, 278 tốt nghiệp Thiếu úy; 24 tốt nghiệp chuẩn úy; và 9 ra trường với cấp bậc Trung sĩ vì điểm quá thấp. Nhìn sơ qua, thấy Thủ khoa là cựu Đại tá Cảnh sát Phạm Kim Quy, Trung tướng Nguyễn Đức Thắng ra trường hạng 5 và chọn binh chủng Pháo Binh, tướng Đồng Văn Khuyên là Á khoa của khóa 1 Thủ Đức. Và những khóa khác lại cho nhiều lý thú hơn: khóa 3 có Đại tá Hoàng Đức Ninh (anh của ông Hoàng Đức Nhã) ra trường hạng 208 trên 712 sinh viên; Tướng Nguyễn Khoa Nam hạng 83; tác giả viết sử Phạm Kim Vinh hạng 256. Ở Khóa 5 thì có tác giả Đại tá Phạm Bá Hoa, hạng 648 trên 879; đại tá TQLC Cổ Tấn Tinh Châu, hạng 381; và Đại tá Hà Mai Việt, hạng 86. ... Đại khái, tài liệu ghi lại những chi tiết như vậy. Người viết bài - một người tự thú nhận là mê sách - thật là hăm hở, thật là thích thú với hàng trăm kệ sách đầy tài liệu trước mặt mình. Sự thích thú của của người viết đã làm cho ông Reckner nói đùa với hai phụ tá là Tiến sĩ Steve Maxner và anh Trần Công Khanh là, “Nên chú ý tên này, nó lục loại nhiều quá. Xét người nó trước khi ra về. Nó có thể ‘chôm’ những tài liệu quí giá của chúng ta!”. Thật Một một cuộc thăm viếng không uổng công.

Trung tâm Việt Nam của đại học Texas Tech, trong quá khứ đã bị nhiều phản đối, chỉ trích và phê bình có khuynh hướng thân cộng. Nhất là sau khi họ cho xuất bản quyển Hồi ký của bác sĩ cộng sản Đặng Thùy Trâm. Dĩ nhiên chúng ta thấy tác phẩm đó có một cái nhìn cá nhân rất lệch lạc, đầy truyên truyền của một bác sĩ đã bị nhồi sọ từ lúc thiếu thời. Cũng như trung tâm đã thường liên lạc và hướng dẫn những phái đoàn viên chức cao cấp của cộng sản Việt Nam qua thăm viếng, như Nguyễn Mạnh Cầm, Trần Bạch Đằng, tướng Nguyễn Đình Ước, Phan Huy Lê, Lê Văn Bằng. Nhưng theo giám đốc Reckner, trung tâm của ông đã bị mọi bên chỉ trích: phía phản chiến, thiên tả, thì nói ông quá thân thiện với các quân nhân VNCH, thiên vị cho phía miền Nam; trong khi một vài chiến sĩ VNCH và Hoa Kỳ thì đặt vấn đề tại sao trung tâm lại thân thiện với nhiều viên chức cộng sản! Câu trả lời của trung tâm - cũng như của chính Tiến sĩ Reckner - trung tâm chỉ là một nơi dự trữ những di tích, thư liệu, tang chứng về Việt Nam, về VNCH và CSVN. Trung tâm chỉ là một trung gian chứ không phải là nơi thẩm định những tác động hay hậu quả chính trị, hậu quả cuộc chiến đã xảy ra; trung tâm không phê phán mà chỉ trưng bày những sự kiện. Rồi từ những sự kiện và thư liệu đó, các nhà nghiên cứu, học giả, độc giả, tự mình đi đến những kết luận riêng cho chính họ. Với một nhận xét như vậy, người viết bài này không có gì để phản đối.

________________________________________
1. Tác giả Nguyễn Kỳ Phong, sanh năm 1956, tị nạn cộng sản ở Mỹ từ năm 1975, là dịch giả hai quyển Hành Quân Lam Sơn 719 (nguyên tác Anh Ngữ, Operation Lamson 719, của Thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh), và Những Ngày Cuối của Việt Nam Cộng Hòa (nguyên tác, The Final Collapse, của Đại tướng Cao Văn Viên). Đã xuất bản một tác phẩm nghiên cứu về quân sử, Người Mỹ và Chiến Tranh Việt Nam. Một tác phẩm mới với tựa là Vũng Lầy của Tòa Bạch Ốc, sẽ ra mắt vào tháng 4 năm 2006.

2. Cựu Đại sứ Nguyễn Xuân Phong là thành viên của nội các VNCH trong những năm 1965-75, và từng là Tổng trưởng Lao động và là Phó trưởng phái đoàn và quyền Trưởng phái đoàn VNCH tại hoà đàm Paris. Ông trở lại Việt Nam 5 ngày trước khi Sài Gòn rơi vào tay Hà Nội vào tháng 4/1975. Tại Paris ông là Quốc vụ khanh đặc trách đàm phán và là Trưởng phái đoàn VNCH tại Hội nghị La Celle Saint Cloud. Sau tháng 4/1975, ông bị đưa đi tù cải tạo 5 năm ở miền Bắc. Cựu Đại sứ Phong sang Mỹ theo lời mời vào năm 2000. Từ 2002 và sau đó ông tham dự hội nghị về Việt Nam trong Dự án Việt Nam tại Đại học Texas Tech (Saving Vietnam, Kippra D. Hopper). Hiện nay Cựu Đại sứ Nguyễn Xuân Phong là nhà nghiên cứu tại Đại học Texas Tech. Ông là tác giả Hope and Vanquished Reality, Xlibris, 2002

3. Giáo sư Douglas Eugene Pike (27/7/1924-13/5/2002) là học giả nổi tiếng đã viết rất nhiều về chủ thuyết, chiến lược và chiến thuật của cộng sản tại Việt Nam. Sau một thời gian là Giám đống Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam tại Đại học California tại Berkey (1982-1996), ông đến Trung Tâm Việt Nam (Vietnam Center) Đại học Texas Tech vào năm 1997 với vai trò Phó Giám đốc Nghiên cứu. Tháng 11, 2001 giáo sư Pike bị tai biến mạch não, ngưng làm việc và qua đời ngày 13/5/2002. Giáo sư Pike là tác giả 6 quyển sách, biên tập cho 24 quyển sách khác, viết và trình bày rất nhiều tài liệu tại các hội nghị về Đông Dương và Đông Nam châu Á.

Giáo sư Pike đem đến cho Trung Tâm Việt Nam hàng triệu trang tin tức trên báo, tài liệu, ngay cả truyền đơn của CSVN và những tư liệu khác về chiến tranh Việt Nam. Theo New York Times, năm 1970 giáo sư Pike ấn hành một chuyên khảo xác minh quân đội nhân dân Việt nam đã thảm sát dân chúng tại Huế thế nào trong trận Tết Mậu Thân. Chuyên khảo này của giáo sư Pike đã khiến giới phản chiến phản đối và tấn công ông dữ dội. Douglas Pike không phải là người hoan hô miền Nam Việt Nam như nhiều người tưởng, New York Times viết, ông nghiêm khắc phê bình sự yếu kém của VNCH trong tổ chức so với kẻ địch CS miền Bắc trong thời chiến.


Ngày Quân Lực 19.6 / Vinh Danh QLVNCH



Ngày Quân Lực, Vinh danh Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà
Friday, June 13, 2008
Vann Phan

Lời Tác Giả: Bài viết sau đây có mục đích làm sáng tỏ chính nghĩa của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong suốt giai đoạn lịch sử bi tráng vừa qua của cuộc Chiến Tranh Việt Nam, khẳng định rằng chế độ quân nhân tại Việt Nam Cộng Hòa là nhu cầu tất yếu của lịch sử, là lẽ sống còn của một đất nước đang đấu tranh cho sự sống còn của mình và chỉ là một hiện tượng tạm thời chứ không mang tính lâu dài. Và dĩ nhiên là chế độ quân nhân cai trị tại miền Nam Việt Nam không hề là chế độ quân trị (military rule) hay chế độ quân phiệt (militarism).

Có thể nói rằng, so sánh với các quân đội khác trên toàn thế giới thời cận đại, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, trong gần hết thời gian có cuộc Chiến Tranh Việt Nam (1960-1975), là lực lượng quân sự duy nhất mang trên vai hai trọng trách cùng một lúc: bảo vệ an ninh quốc gia và quản trị hành chánh đất nước.

Việc thực hiện cùng một lúc hai nhiệm vụ nặng nề này, tức là việc các thành viên thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vừa đánh giặc vừa trị nước, có vẻ như đã đặt chế độ quân nhân (military regime) tại miền Nam Việt Nam vào vị thế của những chế độ quân phiệt (militarism, militaristic regime) cùng thời hay sau này trên khắp thế giới, đặc biệt là tại những quốc gia kém mở mang ở Nam Mỹ (Argentina [Á Căn Ðình], Brazil [Ba Tây], Chile [Chí Lợi], El Salvadore, Haiti, Nicaragua, Panama, Peru...), Á Châu (Bangladesh [Ðông Hồi cũ], Indonesia [Nam Dương], Iraq, Myanmar [Miến Ðiện cũ], Nam Hàn, Pakistan [Hồi Quốc, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ...) hay Phi Châu (Algeria, Cộng Hòa Trung Phi, Congo- Brazaville và Congo-Kinshasa, Ai Cập, Ethiopia, , Ghana, Libya, Niger, Nigeria, Somalia, Sudan, Uganda...) và ngay cả tại những quốc gia không Cộng Sản và tân tiến ở Âu Châu như Hy Lạp (1967-1974), Bồ Ðào Nha (1926-1974) và Tây Ban Nha (1923-1975).

Nhưng sự thật thì không phải như vậy. Dù miền Nam Việt Nam luôn nằm trong tình trạng chiến tranh -đất nước đã được Bộ Trưởng Quốc Phòng Nguyễn Ðình Thuần thời Ðệ Nhất Cộng Hòa tuyên bố nằm trong “tình trang lâm nguy” từ năm 1963- chế độ quân nhân dưới quyền các sĩ quan cao cấp trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vẫn đem lại nhiều tự do, dân chủ hơn so với các quốc gia cùng thời nằm dưới các chế độ quân phiệt trên toàn thế giới và vẫn được đại đa số dân chúng kính trọng và thương yêu, đi đâu theo đó, từ trong nước ra tới hải ngoại. Còn nếu có một số thành phần dân chúng tại Việt Nam Cộng Hòa lên tiếng chỉ trích quân đội này trong nhiệm vụ vừa chiến đấu vừa tham gia quản trị đất nước thì đó cũng chỉ là chuyện bình thường trong một quốc gia thực sự có tự do, dân chủ. Riêng trong hoàn cảnh đặc biệt của miền Nam Việt Nam, những lời chỉ trích nào nhắm vào tập thể chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa mà không nằm trong xu hướng tự do, dân chủ tự nhiên kia của dân chúng thì đều phát xuất từ luận điệu tuyên truyền của phe Cộng Sản -mà vào lúc đó đang là kẻ thù nỗ lực thôn tính miền Nam tự do-hay từ những lời chỉ trích đầy ác ý và mang tính đạo đức giả của phe tả trên toàn thế giới chỉ mong sao Cộng Sản sớm chiến thắng tại Việt Nam rồi hậu quả ra sao thì cũng mặc kệ, bởi vì chính dân chúng miền Nam Việt Nam, chứ không phải họ, là kẻ phải hứng chịu tai họa-như thực tế đã chứng minh từ hơn ba thập niên qua- trong khi họ thì bất quá chỉ việc chịu khó lên báo, lên đài đặng biểu tỏ lòng ăn, năn hối hận qua quýt cho việc làm xuẩn động của mình trước kia là xong (như Joan Baez -và cả Jane Fonda nữa- đã làm, chứ John F. Kerry thì chưa).

* Vai trò vừa quân sự vừa hành chánh của Quân Lực Việt Nam có tự bao giờ?

Những người miền Nam Việt Nam trong nước cũng như ở hải ngoại, trước và sau năm 1975 vẫn coi ngày 19 Tháng Sáu năm 1965, ngày Quân Lực của miền Nam Việt Nam, là ngày tập thể chiến sĩ thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chính thức đảm nhiệm vai trò lịch sử điều khiển đất nước và chỉ huy nỗ lực chiến đấu tự vệ của miền Nam tự do chống lại cuộc chiến tranh thôn tính của Cộng Sản Bắc Việt, có Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam tại miền Nam Việt Nam hỗ trợ. Sự thực thì thời điểm kể trên không phải là ngày quân đội bắt đầu đảm đương cùng một lúc cả nhiệm vụ quân sự lẫn vai trò hành chánh tại miền Nam Việt Nam mà chỉ là ngày mà tập thể chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa chính thức lên nắm giữ vai trò đó qua buổi lễ ra mắt trước quốc dân và quốc tế Ủy Ban Lãnh Ðạo Quốc Gia (do Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu làm chủ tịch) và Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (do Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ làm chủ tịch) tại thủ đô Sài Gòn. (Trước đó, vào ngày 11 Tháng Sáu năm 1965, Quốc Trưởng Việt Nam Cộng Hòa Phan Khắc Sửu và Thủ Tướng Phan Huy Quát đã ra tuyên cáo “long trọng trao trả lại cho Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa trách nhiệm và quyền hành lãnh đạo quốc gia đã được Hội Ðồng Quân Lực ủy thác” cho chính quyền dân sự dưới quyền lãnh đạo của hai vị chiếu theo quyết định ngày 5 Tháng Năm năm 1965, tức là cách đó hơn một tháng)

Cái ngày mà giới quân nhân trong quân đội bắt đầu đảm đương cả nhiệm vụ quân sự lẫn vai trò hành chánh tại miền Nam Việt Nam thật ra đã xảy ra từ sáu, bảy năm trước đó, dưới thời Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, sau khi Cộng Sản Bắc Việt chính thức cho ra đời Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, 20 Tháng Mười Hai năm 1960, để làm bình phong che đậy việc họ xua quân quyết đánh chiếm miền Nam Việt Nam để đặt miền đất tự do này dưới quyền cai trị độc tài của đảng Cộng Sản Việt Nam. Trước tình hình Việt Cộng (Mặt Trận Giải Phóng) ngày càng gia tăng các vụ ám sát viên chức xã, ấp rồi đánh chiếm các làng mạc và cả các quận lỵ tại miền Nam Việt Nam, Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, trong vai trò tổng tư lệnh quân đội chiếu theo hiến pháp Ðệ Nhất Cộng Hòa, đã phải thay thế các chức vụ quận trưởng và tỉnh trưởng tại những vùng chiến sự đang sôi động do các viên chức dân sự (ngạch phó đốc sự hành chánh trở lên) đảm nhận sang cho các sĩ quan quân đội, với các sĩ quan cấp Ðại úy đảm nhiệm chức vụ quận trưởng và sĩ quan cấp Ðại Tá làm tỉnh trưởng (Vị Ðại Uùy Quận Trưởng danh tiếng nhất thời đó là Ðại Uý Bùi Thụ, Quận Trưởng Quế Sơn tại Quảng Nam, đã tử trận sau khi ông tình nguyện ở lại tử thủ với vị đại úy quận trưởng kế nhiệm trong đêm Việt Cộng tấn công tràn ngập quận lỵ Quế Sơn vào đầu năm 1962, chỉ mấy tháng trước khi chính vị tổng tư lệnh quân đội bị quân đảo chánh hạ sát). Phải biết rằng Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và bào đệ là Cố Vấn Ngô Ðình Nhu rất cảnh giác trong chuyện trao cho giới quân nhân quyền hành lớn trong một đất nước mà hai nhà lãnh đạo này đang muốn chuyển đổi từ một quốc gia bất an về chính trị sau năm 1954 để trở thành một nền dân chủ trẻ trung tại Ðông Nam Á. Nhưng chuyện chính quyền Ngô Ðình Diệm đã phải chấp nhận giao quyền hành chính và quân sự cho giới quân nhân cho thấy vai trò của quân đội từ những năm đầu thập niên 1960 đã trở nên vô cùng thiết yếu cho sự sống còn của miền Nam tự do giữa lúc các lực lượng Cộng Sản từ miền Bắc đang gia tăng nỗ lực thôn tính Miền Nam. (1)

Cuộc đảo chánh chống chính quyền của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và bào đệ là Cố Vấn Ngô Ðình Nhu vào ngày 1 Tháng Mười Một năm 1963 do Trung Tướng Dương Văn (Big) Minh -người “anh hùng Rừng Sát” năm 1955- và các tướng lãnh trong Hội Ðồng Quân Nhân Cách Mạng thực hiện -có sự yểm trợ của Chính Quyền Kennedy từ Hoa Kỳ thông qua Tòa Ðại Sứ Mỹ tại Việt Nam- và những năm tháng sau đó có thể được coi là thời điểm duy nhất mà Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa đã tóm thâu mọi quyền hành chánh và quân sự vào trong tay họ và đặt Miền Nam Việt Nam dưới một chế độ quân trị (milirary rule) mang tính cách quân phiệt (militarist) trong ý nghĩa đầy đủ nhất. Tình thế hỗn quân, hỗn quan lúc bấy giờ tại Miền Nam Việt Nam (đảo chánh và chỉnh lý liên tiếp ngay bên trong hàng ngũ các tướng lãnh đã lật đổ Tổng Thống Diệm, với quyền lãnh đạo phe quân nhân cầm quyền từ tay Trung Tướng Dương Văn Minh chuyển sang Trung Tướng Nguyễn Khánh rồi sau cùng là Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu) cộng với các cuộc tấn công dồn dập về mặt chính trị (Cộng Sản xúi giục dân chúng biểu tình gây rối loạn trên đường phố, tại các học đường và trong các chùa chiền...) và quân sự (với những vụ ám sát các viên chức xã, ấp cùng những cuộc tấn công tràn ngập các tiền đồn hẻo lánh, xã ấp riêng rẽ và cả những quận lỵ và tỉnh lỵ phòng thủ yếu kém...) là động cơ chính yếu buộc Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa phải nắm quyền cả về mặt quân sự lẫn mặt hành chánh.

Nhưng sau thời gian xáo trộn và náo loạn ngoài ý muốn của tất cả các thành phần quân sự cũng như dân sự tại miền Nam Việt Nam, Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa, ít nhất cũng đã một lần, chứng tỏ thiện chí muốn trao trả quyền hành lại cho phe dân sự để dành thì giờ chiến đấu chống cuộc xâm chiếm miền Nam Việt Nam của Cộng Sản Bắc Việt từ Hà Nội (mà vào lúc đó đã trở thành công khai với việc Cộng Sản Bắc Việt thiết lập Ðường Mòn Hồ Chí Minh chạy dọc theo sườn phía Tây của dãy Trường Sơn đặng đưa người và vũ khí xâm nhập vào Nam, yểm trợ tối đa cho các lực lượng du kích của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam mở những cuộc tấn công quy mô vào các làng mạc và thành thị tại Miền Nam Việt Nam). Ðó là vào ngày 5 Tháng Năm năm 1965 khi Hội Ðồng Quân Lực (trước đó là Hội Ðồng Quân Nhân Cách Mạng) dưới quyền các tướng lãnh trong Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa đã trao quyền cai trị đất nước về cho các chính trị gia thuộc phe dân sự tại Miền Nam Việt Nam với một chính phủ dân sự dưới quyền Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ Tướng Phan Huy Quát. Ðiều không may là, phe dân sự tại Miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ, dù gồm nhiều chính trị gia nổi tiếng, nhiều chuyên gia lỗi lạc và nhiều nhà khoa bảng từ ngoại quốc trở về, đã không thể nào vừa điều hành đất nước một cách hữu hiệu vừa bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ, bởi vì tình trạng “thù trong, giặc ngoài” chẳng những đã không giảm bớt mà ngày một gia tăng, với tình hình quân sự lúc đó được mô tả là hết sức nguy ngập khi cường độ tấn công, phá hoại của Cộng quân tại các địa phương đã gia tăng vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chính quyền và các lực lượng an ninh tại chỗ. Việc gì phải đến, đã đến. Sau mới ba tháng đứng ra “lèo lái con thuyền quốc gia” mà không xong, vào ngày 11 Tháng Sáu năm 1965, phe dân sự, dưới quyền của Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ Tướng Phan Huy Quát, đành phải ra tuyên cáo trao trả lại quyền cai trị đất nức lại cho Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa. (2)


* Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong vai trò lãnh đạo đất nước chiến đấu chống Cộng Sản Bắc Việt xâm lược

Sau khi được trao quyền, vào ngày 12 Tháng Sáu năm 1963, trong một cuộc họp quy tụ tất cả những tướng lãnh đang nắm các trọng trách trong quân đội từ cấp Tổng Tham Mưu Trưởng, tư lệnh các Vùng Chiến Thuật cho đến các tư lệnh quân, binh chủng, Hội Ðồng Quân Lực đã đề cử Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu đảm nhiệm chức vụ Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Ðạo Quốc Gia (tương đương tổng thống), và Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ giữ chức vụ Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (tương đương thủ tướng).

Ủy Ban Lãnh Ðạo Quốc Gia, trong vai trò mới được giao, đã tiến hành thiết lập thể chế và các cơ cấu quốc gia cùng lập nên một Nội Các Chiến Tranh để thực hiện việc tiếp tục cuộc chiến đấu chống Cộng Sản xâm lược và phát triển đất nước.

Ngày 19 Tháng Sáu năm 1965, trong một buổi lễ ra mắt được long trọng tổ chức tại thủ đô Sài Gòn, các thành phần trong Ủy Ban Lãnh Ðạo Quốc Gia và Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương đã tuyên thệ trung thành với tổ quốc, nhận trách nhiệm làm thành phần tiền phương của quân, dân Miền Nam Việt Nam trong vai trò chỉ huy Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bảo vệ đất nước và điều khiển chính phủ Việt Nam Cộng Hòa thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội, văn hóa và giáo dục để xây dựng Miền Nam Việt Nam thành một quốc gia phú cường có thể sánh vai cùng các quốc gia khác trong cộng đồng thế giới.

Trong vai trò mới, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ở hậu phương thì lo xây dựng nền độc lập, tự do và dân chủ, diệt trừ những mầm mống nằm vùng bạo loạn và phát triển kinh tế, ngoài tiền tuyến thì chỉ huy quân đội ngăn chống những đợt sóng xâm lăng của Cộng Sản ngày càng mãnh liệt từ Miền Bắc tràn vào. Như vậy, ngày 19 Tháng Sáu năm 1965 là ngày đánh dấu sự kiện Quân Lực Việt Nam Cộn Hòa đứng lên gánh vác trách nhiệm lớn là bảo vệ nền tự do và độc lập của Miền Nam Việt Nam đồng thời làm tiền đồn ngăn chặn làn sóng Cộng Sản tại Ðông Nam Á.

Nhưng giới lãnh đạo quân sự tại Miền Nam Việt Nam, tức Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, vì ý thức cao độ rằng cuộc chiến đấu tự vệ chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của Cộng Sản từ ngoài Bắc vào không phải là một cuộc chiến đơn thuần về quân sự mà là một trận chiến phối hợp giữa các mặt trận quân sự và chính trị cũng như kinh tế, đồng thời còn cảnh giác cao độ về vai trò sinh tử của một chế độ tự do, dân chủ tại Miền Nam Việt Nam trong cuộc chiến tranh một mất, một còn với phe Cộng Sản quốc tế, đã phải tìm cách chuyển đổi chế độ hội đồng quân nhân cầm quyền (military junta) hiện có sang một thể chế dân chủ hợp hiến và hợp pháp mới mong nâng cao uy tín của Việt Nam Cộng Hòa trên trường quốc tế.

Từ 1966 tới 1967, mặc dù chiến sự vẫn tiếp tục diễn ra vô cùng ác liệt trên kắp các mặt trận tại Miền Nam Việt Nam -với sự can dự trực tiếp của quân đội Hoa Kỳ và các lực lương Ðồng Minh như Ðại Hàn, Úc Ðại Lợi, Tân Tây Lan, và Thái Lan- chính quyền Miền Nam Việt Nam dưới quyền của các Tướng Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ, với sự hỗ trợ của chính phủ, dân chúng và quân đội Ðồng Minh Hoa Kỳ, quyết tâm tổ chức các cuộc tuyển cử tự do để thành lập nền Ðệ Nhị Cộng Hòa thay thế cho nền Ðệ Nhất Cộng Hòa của cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm đã cáo chung sau cuộc đảo chánh đẫm máu năm 1963.

Với các chủ trương và đường lối đúng đắn đó, lần lượt các cuộc bầu cử tổng thống, Quốc Hội và hội đồng tỉnh, thành được mở ra trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa để bầu ra, trước hết, một Quốc Hội, rồi sau đó là một vị tổng thống dân cử đầu tiên của nền Ðệ Nhị Cộng Hòa. Trong nền Ðệ Nhị Cộng Hòa của Miền Nam Việt Nam, mặc dù các chức vụ quan trọng như tổng thống, bộ trưởng quốc phòng, tư lệnh cảnh sát, đại biểu chính phủ tại các vùng chiến thuật, tỉnh trưởng và quận trưởng... đều do giới quân nhân nắm giữ, nhưng nhờ có bộ mặt dân sự hợp pháp và hợp hiến, nước Việt Nam Cộng Hòa mới thời hậu Tổng Thống Diệm đã lần lượt có được sự thừa nhận của nhiều quốc gia thân hữu trên trường quốc tế, trong đó phải kể tới một số nước Ả Rập mà tiêu biểu là Vương Quốc Ả Rập Saudi kiên quyết chống Cộng ở Trung Ðông.

Tháng Mười Một năm 1967, sau khi đắc cử vào chức vụ tổng thống đầu tiên của Ðệ Nhị Cộng Hòa, Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, trong vai trò tổng thống kiêm tổng tư lệnh quân đội, tiếp tục cho tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm hàng năm Ngày Quân Lực 19 Tháng Sáu với những cuộc diễn binh của tất cả các đơn vị và quân, binh chủng trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa để biểu dương sức mạnh và ý chí quyết thắng của dân chúng Miền Nam Việt Nam chống lại cuộc xâm lược kéo dài của Cộng Sản Bắc Việt từ miền Bắc vào. Trong khi đó, tiến trình dân chủ hóa Miền Nam Việt Nam vẫn đều đặn diễn ra, với những cuộc bầu cử từ tổng thống cùng phó tổng thống và các đại biểu lưỡng viện Quốc Hội cho tới các nghị viên hội đồng thành phố và tỉnh trên toàn cõi Miền Nam Việt Nam. Cho dù Miền Nam Việt Nam vẫn đang đắm chìm trong khói lửa chiến chinh -với những trận chiến ác liệt như chiến dịch bắc phạt của Không Lực Việt Nam Cộng Hòa (1966-1967), cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân của Cộng Sản (1968), cuộc hành quân đánh sang Căm Bốt của Quân Ðoàn 3 (1970), cuộc hành quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đánh sang Hạ Lào (1971), cuộc tổng tấn công của Cộng Sản vào Mùa Hè Ðỏ Lửa (1972), cuộc không tập và phong tỏa Bắc Việt của Hoa Kỳ vào Giáng Sinh 1972... và với những biến cố chính trị lớn lao như cuộc Hòa Ðàm Ba Lê (1968-1972), việc ký kết Hiệp Ðịnh Ba Lê 1973, cuộc trao trả tù binh các bên lâm chiến (1973), những vụ Cộng Sản lấn đất, giành dân, vi phạm hiệp Ðịnh Ba Lê mà cao điểm là cuộc tấn công đánh chiếm Phước Long (1974)... tiến trình dân chủ hóa Miền Nam Việt Nam đã diễn ra khá tốt đẹp dưới quyền lãnh đạo của một chính quyền mà đa số các giới chức cao cấp đều là sĩ quan hiện dịch trong quân đội hoặc có gốc nhà binh.

Mấy ai có thể tưởng nghĩ được rằng, vào năm tồn tại cuối cùng của mình là 1975, guồng máy chính quyền Miền Nam Việt Nam, tuy do các “chính trị gia” gốc quân nhân lãnh đạo, lại có thể bao gồm một quốc hội với sự hiện diện của không ít các nghị sĩ và dân biểu đối lập (như Nguyễn Văn Huyền, Vũ Văn Mẫu, Trần Văn Ðôn, Lý Quý Chung...) và vô số các đảng phái cũng như chính trị gia đối lập (cỡ Linh Mục Trần Hữu Thanh và nhà báo Ngô Công Ðức) ngày đêm chỉ trích và “mắng mỏ” từ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cho tới Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm và Phụ Tá An Ninh Tổng Thống là Trung Tướng Ðặng Văn Quang?


* Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vừa đánh giặc vừa tham chính


Vào ngày 26 Tháng Mười năm 1956, chính phủ Ngô Ðình Diệm khởi sự tái tổ chức các lực lượng thuộc Quân Ðội Quốc Gia Việt Nam được thành lập từ lúc Quốc Gia Việt Nam (Eùtat du Vietnam) ra đời ngày 8 Tháng Ba năm 1949 theo Thỏa Hiệp Eùlysée giữa Pháp và Việt Nam, và quân đội này mang danh xưng mới là Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa. Các lực lượng chiến đấu trên không và trên biển được gọi là Không Quân Việt Nam và Hải Quân Việt Nam. Trong những năm tháng đầu của cuộc Chiến Tranh Việt Nam, đối tượng giao tranh của quân đội này là các lực lượng du kích thuộc Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam, một tổ chức bung xung được Cộng Sản Bắc Việt dựng lên vào Tháng Mười Hai năm 1960 và được dùng làm công cụ xúc tiến việc lật đổ chính quyền Ngô Ðình Diệm và đánh chiếm Miền Nam tự do bằng vũ lực cho ra cái điều là chính dân chúng tại Miền Nam Việt Nam đã tự mình nổi dậy chống lại chính phủ của Tổng Thống Diệm -mà Cộng Sản vẫn coi là bù nhìn của Mỹ-chứ không phải là do quân Cộng Sản từ ngoài Bắc tiến vào tấn công, vì làm như vậy là vi phạm nặng nề Hiệp Ðịnh Genève 1954 về “chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Ðông Dương” mà chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Cộng Sản Bắc Việt) của ông Hồ Chí Minh đã ký kết.

Dưới thời Tổng Thống Mỹ John F. Kennedy, nhiều cố vấn quân sự và một số đáng kể kinh viện và quân viện của Hoa Kỳ đã được đổ vào Miền Nam Việt Nam để yểm trợ cho chính phủ và Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa trong nỗ lực tiễu trừ du kích quân Cộng Sản, thường được gọi là Việt Cộng, cùng với quân chính quy Bắc Việt từ Miền Bắc xâm nhập vào đánh phá Miền Nam. Có thể nói rằng vai trò vừa đánh giặc -tức là chiến đấu chống quân Cộng Sản Bắc Việt xâm lược-và vừa tham chính -tức là tham gia công cuộc quản trị guồng máy hành chánh đất nước- của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã khởi đầu kể từ cuộc đảo chánh của quân đội, vào ngày 1 Tháng Mười Một năm 1963, lật đổ nền Ðệ Nhất Cộng Hòa của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, rồi lên cao điểm vào ngày 19 Tháng Sáu -là Ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa-khi chính quyền dân sự trao trách nhiệm lãnh đạo đất nước cho quân đội, và còn tiếp tục dưới hình thức quân đội tham chính trong các chính phủ dân sự thời Ðệ Nhị Cộng Hòa.

Những xáo trộn chính trị xảy ra tại Miền Nam Việt Nam sau cuộc đảo chánh và lật đổ Tổng Thống Diệm đã làm lung lay gần như tận gốc rễ cấu trúc xã hội tại Miền Nam Việt Nam sau chín năm dài miền đất này được sống trong ổn định về kinh tế và tương đối an ninh vì chính quyền cũng như quân đội còn đang kiểm soát được đất nước. Giờ đây, nương vào những xáo trộn này, Cộng Sản Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam liền gia tăng các cuộc tấn công, phá hoại tại Miền Nam Việt Nam, khởi đầu là những vụ tấn công vào các đồn bót và tiền đồn hẻo lánh tại các vùng quê, kèm theo là những vụ ám sát các viên chức xã, ấp, sau lan dần tới việc Cộng quân dùng những đơn vị lớn đánh úp hoặc chiếm đóng các quận lỵ (chi khu) và tỉnh lỵ (tiểu khu) trên bốn vùng chiến thuật của Miền Nam Việt Nam. Các cuộc đảo chánh và phản đảo chánh -mà Tướng Nguyễn Khánh gọi là “chỉnh lý”- cùng những cuộc biểu tình “hoan hô, đả đảo” do các giáo phái và các phe nhóm chính trị khác nhau -hầu hết đều có sự giật dây của Cộng Sản để thủ lợi-liên tục xảy ra khiến tình hình quân sự tại Miền Nam Việt Nam ngày càng suy đồi, kéo theo nạn kinh tế khủng hoảng, vật giá gia tăng không kềm chế nổi, giáo dục học đường chểnh mảng, thế đạo ngã nghiêng, nhân tâm ly tán... Vào cuối năm 1964, tức là chỉ một năm sau cuộc đảo chánh, Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa, đang nắm quyền điều khiển guồng máy hành chánh và quân sự trong nước, cũng đã thật sự phải đối diện với nguy cơ sụp đổ trước các cuộc tấn công gia tăng ác liệt của Cộng quân. Các bản tin chiến sự lúc bấy giờ cho hay Cộng quân, lợi dụng tình trạng hỗn quan, hỗn quân tại Miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ, đã gia tăng các cuộc tấn công lấn chiếm trên toàn quốc, khiến cho lãnh thổ quốc gia tại Miền Nam Việt Nam ngày càng bị thu hẹp, với nhịp độ thất thủ có lúc lên đến chóng mặt là mỗi tuần mất đi một quân lỵ và mỗi tháng mất đi một tỉnh lỵ.

Tháng Ba năm 1965, trước nguy cơ chẳng sớm thì muộn Miền Nam Việt Nam có thể mất vào tay Cộng Sản, chính quyền của Tổng Thống Lyndon Johnson, nhân vật kế nhiệm Tổng Thống Kennedy bị ám sát hồi Tháng Mười Một năm 1963, đã phải quyết định “Mỹ hóa” cuộc chiến tranh tại Việt Nam bằng cách đổ hằng trăm nghìn quân Mỹ vào Miền Nam Việt Nam, thiết lập các căn cứ quân sự, đồn bót, phi trường và hải cảng trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa và mở những cuộc hành quân lớn “lùng và diệt” các lực lượng du kích địa phương và chính quy xâm nhập từ Miền Bắc vào Miền Nam. Các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến, Không Vận, Bộ Binh, Không Quân và Hải Quân Mỹ cùng quân đội các nước đồng minh khác như Ðại Hàn Dân Quốc, Úc Ðại Lợi, Tân Tây Lan... tham gia chiến đấu chống lại Cộng quân. Vào lúc cao điểm của cuộc chiến, tổng số quân nhân Mỹ phục vụ trên các chiến trường tại Việt Nam lên tới 500,000 người. Với hằng trăm cuộc hành quân tiễu trừ Cộng sản lớn, nhỏ từ cao nguyên xuống đồng bằng và từ Khu Phi Quân Sự (DMZ) giáp Sông Bến Hải ở phía Bắc cho đến vùng kênh rạch ở Cà Mau, Bộ Tư Lệnh Quân Ðội Hoa Kỳ tại Việt Nam, trên thực tế, hoàn toàn nắm quyền kiểm soát cuộc chiến tranh chống Cộng, và vai trò của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trở nên thứ yếu.

Kể từ cuối năm 1965 trở đi, nhờ sự kiện Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa có được chính danh sau khi được chính phủ dân sự của Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ Tướng Phan Huy Quát chính thức trao quyền cai trị đất nước và điều khiển quân đội (ngay trước Ngày Quân Lực 19 Tháng Sáu), mọi xáo trộn chính trị trong nước lần lượt qua đi và quân đội Miền Nam Việt Nam khởi sự phục hồi lại phần lớn năng lực đã mất để có thể nới rộng vai trò chống du kích sang vai trò căn bản là bảo vệ lãnh thổ trước các cuộc tấn công quấy rối và lấn đất, giành dân của Cộng quân. Dần đà, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã có đủ khả năng mở các cuộc hành quân tảo thanh Việt Cộng trên bốn vùng chiến thuật song song với các lực lượng Hoa Kỳ và Ðồng Minh đang có mặt trên khắp các chiến trường.

Nhưng vai trò của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chỉ nổi bật trở lại sau biến cố Tết Mậu Thân 1968 khi hằng chục sư đoàn Cộng quân gồm bộ đội chính quy Cộng Sản Bắc Việt và quân du kích của mật Trận Giải Phóng Miền Nam đồng loạt mở cuộc “tổng tấn công, tổng nổi dậy” bất ngờ trong thời gian hưu chiến nhân dịp Tết, đánh vào nhiều tỉnh lỵ và thành phố tại Miền Nam Việt Nam, kể cả thủ đô Sài Gòn và cố đô Huế. Nhưng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã đứng vững và lần lượt tái chiếm hết những phần đất bị Cộng quân tạm chiếm, kể cả cố đô Huế, và xóa tên nhiều đại đơn vị của Cộng quân. Cũng kể từ năm 1968, Miền Nam Việt Nam khởi sư tổng động viên nhân lực tham gia quân đội, khiến cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đạt tới mức có sẵn 1 triệu binh sĩ chiến đấu dưới cờ vào năm 1972.

Quân đội này lại còn hùng mạnh hơn lên khi đồng minh Hoa Kỳ quyết định tăng cường võ trang các chiến cụ tối tân cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa để họ có thể tự mình chiến đấu bảo vệ Miền Nam Việt Nam đặng quân Mỹ có thể yên lòng và có thêm chính danh mà rút về nước trong một chiến lược mới được gọi là kế hoạch “Việt Nam Hóa” chiến tranh (Vietnamization of the war) do Tổng Thống Richard Nixon và Cố Vấn An Ninh Quốc Gia lúc bấy giờ là Tiến Sĩ Henry Kissinger đề xướng. (3) Chính nhờ công cuộc “Việt Nam Hóa” chiến tranh này mà Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ngày càng có đủ khả năng chiến đấu hữu hiệu chống các lực lượng thuộc Quân Ðội Nhân Dân của Cộng Sản Bắc Việt xâm nhập vào Miền Nam cũng như các lực lượng địa phương của mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Trên thực tế, vào thời điểm này, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã thực hiện nhiều gấp ba lần các cuộc hành quân so với thời gian quân đội Hoa Kỳ và Ðồng Minh đảm nhiệm vai trò chính trong các chiến dịch tấn công Cộng quân trước đây, đáng kể nhất là cuộc “Hành Quân Toàn Thắng 43” năm 1970 vượt biên tấn công các căn cứ hậu cần của Cộng Sản Bắc Việt tại Căm Bốt và cuộc “Hành Quân Lam Sơn 719” năm 1971 tấn công vào hệ thống Ðường Mòn Hồ Chí Minh tại Nam Lào, ngay dưới Khu Phi Quân Sự (DMZ), mặc dù các cuộc hành quân do Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vẫn phải trông cậy nhiều vào hỏa lực yểm trợ của phi pháo từ các phản lực chiến đấu cơ và từ những trực thăng võ trang Hoa Kỳ. (4)

Năm 1972, Tướng Võ Nguyên Giáp của Cộng Sản Bắc Việt mở cuộc tấn công lớn trong “Mùa Hè Ðỏ Lửa” -mà người Mỹ gọi là “Cuộc Tấn Công Mùa Lễ Phục Sinh” (Easter Offensive)-cuộc tấn công toàn diện đầu tiên do tất cả các đại đơn vị thiện chiến của Cộng Sản Bắc Việt và các lực lượng du kích địa phương phối hợp thực hiện đánh vào các quận lỵ và tỉnh lỵ có tầm vóc quan trọng về mặt chiến lược tại Miền Nam Việt Nam. Trong giai đoạn đầu, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, vì yếu tố bất ngờ, đã phải chịu tổn thất khá nặng nề, nhưng vẫn giữ vững được hầu hết các phòng tuyến trên toàn lãnh thổ. Cộng Quân chiếm được phần lớn tỉnh địa đầu giới tuyến Quảng Trị và một số khu vực dọc theo vùng biên giới với Lào và Căm Bốt.

Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, ngay sau đó, đã khởi sự những cuộc phản công quyết liệt và hữu hiệu trên khắp các mặt trận chính yếu. Nhờ sức chiến đấu kiên cường và anh dũng của các đơn vị tinh nhuệ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cùng sự yểm trợ bằng phi pháo và hải pháo hùng hậu của Hoa Kỳ tại các mặt trận từ An Lộc (ở Vùng 3 Chiến Thuật) cho tới Quảng Trị (thuộc Vùng 1 Chiến Thuật) và Kon Tum (tại Vùng 2 Chiến Thuật), cuộc tổng công kích Mùa Hè 1972 của Cộng quân đã bị bẻ gãy. Các cuộc phản công của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đặc biệt là tại các mặt trận An Lộc gần thủ đô Sài Gòn và tại Cổ Thành Quảng Trị gần Khu Phi Quân Sự, đã đánh bật được các lực lượng Cộng Sản ra khỏi những vị trí mà họ đã vây hãm hoặc cố thủ.

Cho tới đầu năm 1974, Hoa Kỳ hầu như đã rút hết các lực lượng chiến đấu của họ ra khỏi Miền Nam Việt Nam, và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa từ nay đã phải đơn độc chiến đấu cho sự sống còn của Miền Nam Việt Nam trong khi các lực lượng Cộng Sản vẫn tiếp tục nhận được những khoản viện trợ dồi dào về vũ khí, đạn dược và tiếp liệu từ các nước đàn anh Trung Quốc và Liên Xô để kéo dài cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam Cộng Hòa mặc dù họ đã hạ bút ký tên vào bản Hiệp Ðịnh Ba Lê, chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình tại Miền Nam Việt Nam.

Mùa Thu năm 1974, Tổng Thống Richard Nixon đã phải từ chức vì vụ tai tiếng chính trị Watergate, và Tổng Thống Gerald Ford lên thay. Nóng lòng muốn rút chân ra khỏi Việt Nam, Quốc Hội Hoa Kỳ do đảng Dân Chủ kiểm soát khởi sự cắt bớt các khoản viện trợ quân sự và kinh tế dành cho Việt Nam Cộng Hòa, từ 1 tỷ đô-la mỗi năm xuống còn 700 triệu đô-la. Lịch sử coi sự sụp đổ của Sài Gòn vào ngày 30 Tháng Tư năm 1975 là hậu quả của việc Hoa Kỳ giảm thiểu rồi cắt đứt quân viện và kinh viện cho Việt Nam Cộng Hòa. Không có viện trợ của Hoa Kỳ, Miền Nam Việt Nam cảm thấy, về mặt tiếp vận và tài chánh, không thể nào tiếp tục cuộc chiến tranh để đánh bại quân Cộng Sản xâm lược được. Không còn nghi ngờ gì nữa, việc cắt giảm rồi chấn dứt viện trợ của Hoa Kỳ dành cho Việt Nam Cộng Hòa, chủ yếu là vũ khí và đạn dược cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tiếp tục chiến đấu, đã khuyến khích các nhà lãnh đạo Cộng Sản tại Hà Nội tiến hành cuộc tổng tấn công sau cùng để đánh chiếm toàn bộ Miền Nam Việt Nam. (5)

Ðầu năm 1975, sau khi Hoa Kỳ đã hầu như hoàn toàn kết thúc việc can thiệp vào và giúp đỡ cho chính phủ và các lực lượng quân sự Việt Nam Cộng Hòa, Cộng Sản Bắc Việt đã quyết định mở cuộc tổng tấn công sau cùng để thanh toán một mục tiêu mà họ đã tiên liệu là thế nào cũng rơi vào tay họ trước tình trạng nước đồng minh chính yếu của Miền Nam Việt Nam, sau hơn một thập niên can dự vào cuộc Chiến Tranh Việt Nam, mất đi 58,000 chiến binh và hao tổn đến hằng trăm tỷ Mỹ kim, đã tiêu tan hết mọi ý chí chiến đấu để chiến thắng trong cuộc Chiến Tranh Việt Nam.

Các lực lượng Cộng Sản đã lần lượt đánh chiếm Ban Mê Thuột ở Vùng 2, tràn xuống Khánh Hòa-Nha Trang ở vùng duyên hải, rồi ngược lên phía Bắc đánh chiếm Huế và Ðà Nẵng tại Vùng 1 Chiến Thuật. Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, mất tinh thần vì rõ ràng là đã bị Ðồng Minh bỏ rơi nửa chừng, cứ tiếp tục lui binh mãi về hướng thủ đô Sài Gòn ở phía Nam, thuộc Vùng 3 Chiến Thuật, và chỉ kháng cự bằng một trận đánh quan trọng tại Xuân Lộc, nơi đây Sư Ðoàn 18 Bộ Binh dưới quyền Thiếu Tướng Lê Minh Ðảo, cùng với các lực lượng Nhảy Dù và Biệt Ðộng Quân, đã bẻ gãy tất cả các mũi dùi tấn công của Cộng quân và gây thiệt hại rất nặng nề về nhân mạng cho quân tấn công. Các cấp chỉ huy quân sự Cộng Sản đành phải lặng lẽ rời bỏ mặt trận này, đi vòng về phía Tây qua vùng giáp ranh giữa Quân Khu 2 và Quân Khu 3 mà tiến xuống phía Nam đặng thực hiện kế hoạch bao vây thủ đô Sài Gòn.

Trận chiến dứt điểm thủ đô của Miền Nam tự do không kéo dài như các quan sát viên quân sự từng dự đoán, bởi vì các nhà lãnh đạo Cộng Sản từ Hà Nội kéo vào đã khéo léo phối hợp các nỗ lực quân sự với những đòn chính trị có tính cách vừa dụ dỗ những thành phần nhẹ dạ và thân Cộng vừa ly gián các lực lượng của người Quốc Gia chân chính vẫn muốn chiến đấu tới cùng trong một trận sống mái với Cộng Sản rồi ra sao thì ra, trong đó phải kể tới những đơn vị lớn thuộc các quân, binh chủng trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đặc biệt là Sư Ðoàn Nhảy Dù tinh nhuệ và được coi là bách chiến, bách thắng của Miền Nam Việt Nam. Vào sáng ngày 30 Tháng Tư năm 1975, Tổng Thống Dương Văn Minh -lên kế nhiệm Tổng Thống Trần Văn Hương, nhà lãnh đạo luống tuổi từng thay thế Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức và bỏ nước đi lưu vong vào chiều ngày 21 Tháng Tư, 1975-đã phải công bố lệnh đầu hàng không điều kiện trước các lực lượng Cộng Sản và Sài Gòn chính thức rơi vào tay Cộng quân. Ðiều cần ghi nhận là, sau khi chính quyền trung ương của Việt Nam Cộng Hòa tại thủ đô hoàn toàn tan rã, hầu như toàn thể Vùng 4 Chiến Thuật dưới quyền của vị Tư Lệnh Quân Khu 4, Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, vẫn còn nguyên vẹn, vì Cộng quân không có đủ lực lượng để tiến vào nơi đây. Các danh tướng và cấp chỉ huy ưu tú của Quân Lực Việt Nam Việt Nam Cộng Hòa như Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, Thiếu Tướng Lê Văn Hưng, Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ, Chuẩn Tướng Trần Văn Hai, và Ðại Tá Hồ Ngọc Cẩn... đều tự vẫn hoặc chiến đấu cho đến chết để chứng tỏ khí phách anh hùng của giới sĩ quan cao cấp trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chủ trương “thành mất thì chết theo thành,” một truyền thống mà trong lịch sử cận đại của Việt Nam, Kinh Lược Sứ Phan Thanh Giản và Tổng Ðốc Hoàng Diệu đã nêu gương sáng sau khi sáu tỉnh Nam Kỳ và Thành Hà Nội rơi vào tay quân xâm lược Pháp hồi cuối thế kỷ 19. (6)

Sau hơn hai thập niên chiến đấu kiên cường -trong đó có gần một thập niên nằm dưới quyền điều khiển của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa- Việt Nam Cộng Hòa và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, vì bị Hoa Kỳ bỏ rơi nửa chừng, đành phải bại trận một cách tức tưởi vào ngày 30 Tháng Tư năm 1975 trước những nhà chinh phục Cộng Sản từ miền Bắc tiến vào. Cái chết của Miền Nam Việt Nam và cái chết của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa là hậu quả tất yếu của một cuộc chiến tranh trong đó cả hai bên lâm chiến đều không ai có đủ điều kiện -quân sự, kinh tế và chính trị- một mình đứng ra đảm đương cuộc chiến mà phải nhờ đến các thế lực bên ngoài. Rồi khi một trong hai bên nào đó thình lình bị đồng minh bỏ rơi -như trường hợp của Việt Nam Cộng Hòa- thì kẻ bị bỏ rơi đương nhiên phải thua trận.


* Chế độ quân nhân tại Việt Nam Cộng Hòa không phải là chế độ quân phiệt, Ngày Quân Lực 19 Tháng Sáu phải được tôn vinh


Như đã tình bày ở trên, chế độ quân nhân tại Miền Nam Việt Nam, thoạt tiên tuy do các thành phần sĩ quan cao cấp của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa giữ vai trò lãnh đạo, đã khác biệt gần như hoàn toàn với các chế độ quân phiệt đương thời trên toàn thế giới. Các lý do sau đây làm sáng tỏ nhận định này:

- Chế độ quân phiệt tồn tại mà không cần lý do chính đáng, phần lớn là do các lãnh tụ quân phiệt tự tạo nên lý do tồn tại, như viện cớ phải bành trướng thế lực trên trường quốc tế (trường hợp quân phiệt Nhật Bản trước và trong Ðệ Nhị Thế Chiến), chống xu hướng Cộng Sản (trường hợp Hy Lạp, Thái Lan và Indonesia thời Suharto), chống phiến quân tả phái (trường hợp Chile, El Salvador, Nicaragua...) hoặc chống tất cả các khuynh hướng đối lập (trường hợp Pakistan, Ai Cập, Libya, Myanmar...)

Chế độ quân nhân tại Việt Nam Cộng Hòa không tự phát sinh mà ra đời do những hoàn cảnh đặc biệt của đất nước. Ngay như cuộc đảo chánh Tổng Thống Ngô Ðình Diệm hồi năm 1963 để đưa Hội Ðồng Quân Nhân Cách Mạng lên cầm quyền, dù vẫn bị coi là tai hại cho nền độc lập của đất nước (vì do Mỹ giật dây) và làm suy yếu nỗ lực chiến đấu chống Cộng, vẫn được biện minh vì chế độ của ông Diệm có khuynh hướng kỳ thị Phật Giáo và không chịu triệt để đi theo đường lối của Hoa Kỳ là nước đang cung cấp kinh viện và quân viện cho Miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ.

- Chế độ quân phiệt thường tự mình gây ra chiến tranh chống một nước khác hoặc chống lại chính nhân dân của đất nước mình. Ðó là trường hợp của quân phiệt Nhật Bản trước và trong Ðệ Nhị Thế Chiến (dưới thời Thủ Tướng Hideki Tojo [Ðông Ðiều]) và các chế độ quân phiệt tại Chile hay Myanmar khi chính quyền do các hội đồng quân nhân tại các nước đó gây chiến tranh chống lại các dân tộc khác hay chống lại chính dân chúng của mình mà họ gọi là loạn quân hay quân nổi dậy. Một số tài liệu lịch sử mới được tiết lộ cho thấy rằng, vào Tháng Hai năm 1947, quân đội Trung Hoa Quốc Gia của Thống Chế Tưởng Giới Thạch đã phạm tội tàn sát hằng chục nghìn thường dân vô tội trên Ðảo Ðài Loan khi các lực lượng Quốc Dân Ðảng Trung Hoa được phái sang hải đảo này để chống lại cuộc nổi dậy của dân chúng địa phương.

Trong cuộc Chiến Tranh Việt Nam, Việt Nam Cộng Hòa là nạn nhân của cuôc xâm lấn của Cộng Sản từ miền Bắc, và chế độ quân nhân tại đây chẳng những không đánh lại chính nhân dân mình mà, trái lại, còn hy sinh xương máu để bảo vệ cuộc sống tự do và thanh bình của dân chúng, cho nên người lính Cộng Hòa luôn được đa số dân chúng -những thành phần không bị Cộng Sản mê hoặc-ủng hộ và đi theo (trong các cuộc di tản hoặc chạy loạn) cho đến khi bị địch pháo kích chết thì thôi.

- Chế độ quân phiệt tồn tại mãi cho tới khi nào bị dân chúng trong nước hoặc các thế lực goại bang dẹp bỏ mới thôi. Ðiều này đúng cho hầu hết các chế độ quân nhân tại Nam Mỹ, Ðông Nam Á và Phi Châu. Chế độ quân nhân tại Việt Nam Cộng Hòa, được khai sinh từ ngày lật đổ Tổng Thống Ngô Ðình Diệm hồi năm 1963 và tái lập vào ngày Quân Lực 19 Tháng Sáu năm 1965, đã tự ý trao quyền cho một thể chế dân sự hoặc xuyên qua các tuyên cáo và quyết định (như Quyết Ðịnh Số 4 ngày 16 Tháng Hai năm 1965 của hội Ðồng Quân Lực trao quyền quản trị hành chánh quốc gia lại cho phe dân sự tại Miền Nam Việt Nam) hoặc qua các cuộc bầu cử tổng thống, Quốc Hội và các hội đồng tỉnh, thành tại Miền Nam Việt Nam thời Ðệ Nhị Cộng Hòa.

- Các thành phần lãnh đạo của những chế độ quân phiệt thường lạm quyền, tham nhũng và gây nhiều tội ác chống lại dân chúng cho nên sau khi các chế độ này sụp đổ thì các lãnh tụ của chế độ thường bị các chế độ kế tiếp hay chính dân chúng tại các quốc gia đó xử tội. Ðó là trường hợp của nhà độc tài Suharto bên Indonesia và Pinochet ở Chile. Riêng chế độ quân nhân tại Miền Nam Việt Nam, vì xuất thân từ dân chúng mà ra, đã không hề gây tội ác nào với dân chúng, nếu không nói được là họ đã xả thân chăm lo bảo vệ hạnh phúc của dân chúng. Nền Ðệ Nhị Cộng Hòa tại Miền Nam Việt Nam tuy cũng mang tiếng là có những thành phần tham nhũng, nhưng mức độ tham nhũng đó chẳng có gì đáng kể một khi đem so với các chế độ quân phiệt hay độc tài đương thời tại những nơi khác, từ Á Châu cho tới Mỹ Châu La-tinh và Phi Châu, đừng nói gì đến chuyện đem so sánh với mức đô tham nhũng hiện nay của các viên chức chế độ Cộng Sản tại Việt Nam bây giờ.

Ðiều độc đáo và quan trọng nhất là chế độ quân nhân tại Việt Nam Cộng Hòa có lý do hết sức chính đáng để tồn tại, dù chỉ trong ngắn hạn, trong khi các chế độ quân nhân và quân phiệt cũng như các chế độ độc tài, độc đảng tại những nơi khác thì không. Ngoại trừ Nam Hàn là nước đang gặp hiểm họa bị xâm lấn một lần nữa từ phía Cộng Sản Bắc Hàn -chứ không thực sự bị xâm lấn kể từ sau khi cuộc Chiến Tranh Triều Tiên chấm dứt vào năm 1953 và sau khi quân đội Mỹ đã lập nên tuyến thép ngăn chặn Cộng Sản Bắc Hàn ngay tại phía Nam vĩ tuyến 38- không có một chế độ quân nhân hay quân phiệt nào tại các nơi khác trên thế giới phải đối phó với một cuộc chiến tranh xâm lược cấp bách mang tính quy mô và được nửa kia của thế giới hết lòng cổ xúy và yểm trợ. Các chế độ quân phiệt tại Thái Lan, Indonesia, Chile, El Salvadore, Nicaragua... bất quá chỉ bị phiến quân và quân nổi dậy đe dọa mà thôi -mà lý do chính yếu của các cuộc nổi dậy tại những nơi đó đôi khi lại nảy sinh từ chính sự hiện hữu của các chế độ độc tài, áp bức đó, vì thế, khi các chế độ đó thôi không hiện hữu thì những cuộc bạo loạn tại các nơi đó cũng tự dưng mất đi. Ðó là chưa kể những chế độ độc tài (dictatorship) tại những nơi như Phi Luật Tân -thời Ferdinand Marcos-là nơi mà chính quyền chỉ cần viện cớ là đất nước đang bị bị phiến quân Cộng Sản (Huks) đe dọa thôi cũng đủ cho chính quyền ra lệnh thiết quân luật, ngưng thi hành mọi quyền tự do, dân chủ trong nước, và cai trị dài dài bằng sắc lệnh.


* Lời cuối


Nghĩ cho cùng, chế độ quân nhân tại Miền Nam Việt Nam trong thời điểm có cuộc chiến tranh thôn tính Miền Nam của Ðảng Cộng Sản Việt Nam từ miền Bắc là chế độ nếu không hoàn toàn chính đáng trên danh nghĩa thì cũng là một sự cần thiết của lịch sử. Phải biết rằng, xuyên suốt lịch sử Việt Nam, hầu như tất cả các chế độ cai trị ban đầu của các triều đại có trước các nền Ðệ Nhất và Ðệ Nhị Cộng Hòa tại Miền Nam Việt Nam -từ thời các Vua Hùng dựng nước (với các Lạc hầu, Lạc tướng), thời Trưng Nữ Vương, các triều đại của Ngô Vương Quyền, Ðinh Tiên Hoàng, Lê Ðại Hành, Lý Thái Tổ, Trần Thái Tông, Lê Lợi, Nguyễn Quang Trung, và Nguyễn Gia Long- đều là những chế độ quân nhân, ít nhất cũng dưới thời các vị vua khai sáng triều đại để dựng nước hoặc để giành lại độc lập cho Việt Nam khỏi tay kẻ thù phương Bắc là Trung Hoa. Và dĩ nhiên là các đấng tiên vương của Việt Nam đều không hề là những thành phần quân phiệt mà chính là những vị anh hùng hết sức xứng đáng được toàn dân muôn đời ngưỡng mộ và tôn thờ.

Vì các lẽ ấy, nếu cuộc chiến tranh bảo vệ nền tự do, dân chủ tại Miền Nam Việt Nam trước đây được coi là chính đáng thì không có lý do gì mà người Việt Quốc Gia từ trong nước lẫn ở hải ngoại lại quên đi Ngày Quân Lực 19 Tháng Sáu hằng năm. Ngày mai đây, khi Việt Nam trở thành một đất nước thật sự có tự do dân chủ, khi lịch sử cận đại và hiện đại của Việt Nam được viết lại một cách nghiêm chỉnh và khi cuộc chiến tranh Quốc-Cộng được đánh giá đúng mức, Ngày Quân Lực 19 Tháng Sáu phải được coi là một trong những ngày kỷ niệm huy hoàng cả trong quân sử lẫn trong lịch sử dân tộc Việt Nam, không ai hoặc không một thế lực nào có thể làm khác đi được. (V.P.)


Ghi chú:

(1) Ngay từ dưới thời Ðệ Nhất Cộng Hòa của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, bên cạnh các Tòa Ðại Biểu Chính Phủ tại Trung Nguyên Trung Phần, Cao Nguyên Trung Phần và Nam Phần Việt Nam do các nhân vật dân sự cầm đầu, vị tổng tư lệnh Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa (kiêm Bộ Trưởng Quốc Phòng) cũng đã phải chỉ định các tướng lãnh quân đội làm tư lệnh các quân khu liên hệ tại các vùng để trực tiếp điều hành công cuộc bảo vệ trị an trước nguy cơ Cộng Sản Bắc Việt quyết tâm thôn tính Miền Nam tự do sau khi cuộc tổng tuyển cử để thống nhất hai miền đất nước được dự trù mở ra tại Bắc và Nam Việt Nam vào năm 1956 đã không được thực hiện. Trên thực tế, Tổng Thống Diệm đã giao toàn quyền quyết định về quân sự cho các vị tư lệnh quân khu liên hệ vì ông biết rõ các nhân vật dân sự trong chính phủ không đủ khả năng thi hành sứ mạng này.

(2) Bản Tuyên Cáo của Quốc Trưởng, Chủ Tịch Hội Ðồng Quốc Gia Lập Pháp và Thủ Tướng Chánh Phủ Việt Nam Cộng Hòa, được công bố ngày 11 Tháng Sáu năm 1965, có đoạn viết:

“Sau khi duyệt lại tình trạng ngày một khẩn trương của đất nước, sau khi đã xét lại và xác nhận rằng: những vơ cấu và thể chế Quốc Gia hiện tại không còn phù hợp với tình thế... Quốc Trưởng Việt Nam Cộng Hòa, Hội Ðồng Quốc Gia Lập Pháp, Chánh Phủ Việt Nam Cộng Hòa đồng thanh quyết định long trọng trao trả lại cho Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa trách nhiệm và quyền lãnh đạo quốc gia đã được Hội Ðồng Quân Lực ủy thác cho chúng tôi... Yêu cầu toàn thể đồng bào các giới không phân biệt giai tầng, địa phương, đảng phái và tôn giáo, ủng hộ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong việc lãnh đạo toàn Quân và toàn Dân đúng theo tinh thần của Cách Mạng 1.11.1963.”

(3) Theo các số liệu chính thức, sau khi công cuộc “Việt Nam Hóa Chiến Tranh” hoàn tất vào cuối năm 1973, Hoa Kỳ đã cung cấp cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa 640,000 khẩu súng trường M-16, 34,000 súng phóng lựu M-79, 40,000 máy truyền tin, 20,000 xe vận tải và 56 chiến xa hạng trung M-48. Không Lực Việt Nam Cộng Hòa nhận được 200 khu trục và oanh tạc chiến đấu cơ, bao gồm khu trục cơ A-1 Skyraider, oanh tạc cơ A-37 và phản lực chiến đấu cơ F-5 cùng với 30 phi cơ võ trang AC-47 và 6,000 vận tải cơ -trong số đó mộ số được biến cải thành phi cơ “Hỏa Long” như AC-119 và AC-123- cộng với 500 trực thăng các loại cùng một số phi cơ thám thính gồm loại OV-10 Bronco và các “máy bay bà già“L-19 (Vào lúc cao điểm của cuộc Chiến Tranh Việt Nam, khi có khoảng 500,000 binh sĩ Mỹ tham chiến tại Miền Nam Việt Nam, các lực lượng Hoa Kỳ đã sử dụng tới 3,000 trực thăng đủ loại). Mặc dù số lượng vũ khí nhận được có vẻ lớn lao như thế, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, về mặt trang bị, vẫn còn kém thua quân đội Hoa Kỳ nhiều lắm, và nhất là quân số bị thiếu hụt so với quân số của Cộng Sản Bắc Việt là đạo quân đông đảo đứng vào hàng thứ 5 trên thế giới lúc bấy giờ -chưa kể số quân du kích của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam vẫn cùng họ tham gia tấn công tại Miền Nam Việt Nam (Wikipedia, June 8, 2007).

(4) Tháng Năm năm 1970, các lực lượng thuộc Quân Ðoàn 3 của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chiến thắng lớn trong cuộc hành quân “Toàn Thắng 43,” vượt biên tấn công vào Căm Bốt, phá hủy nhiều kho vũ khí, đạn dược và lương thực cùng thuốc men của các lực lượng Cộng Sản từ Miền Bắc đưa vào cất giấu tại vùng biên giới Việt-Miên nhằm tiếp trợ cho nỗ lực chiến tranh đánh chiếm Miền Nam Việt Nam của họ. Một cuộc hành quân quy mô khác của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vào Tháng Giêng năm 1971, mệnh danh Lam Sơn 719, tấn công thẳng vào hệ thống Ðường Mòn Hồ Chí Minh ngay dưới Khu Phi Quân Sự và trên Ðường Số 9 tại Nam Lào, tuy phải chịu nhiều tổn thất nhân mạng do gặp địch kháng cự mạnh, vẫn hoàn thành mục tiêu phá vỡ hệ thống hậu cần tiếp tế cho các lực lượng Cộng Sản đang mở các cuộc tấn công phá hoại tại Miền Nam Việt Nam. Ðiều hiển nhiên là các thành tựu này của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã khiến cho các lực lượng Cộng quân đang tham chiến bắt đầu nao núng, và họ thấy cần phải có thêm thời gian để tái bổ sung quân số cũng như tiếp liệu cho các lực lượng đang dần dần bị kiệt quệ của họ. Hệ quả chính trị trông thấy của các chiến thắng quân sự mới do Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tạo nên là giới lãnh đạo Cộng Sản tại Hà Nội đã phải khởi sự đàm phán nghiêm chỉnh hơn trong cuộc Hòa Ðàm Ba Lê lúc gió đang diễn tiến tại thủ đô của Pháp nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc Chiến Tranh Việt Nam.

(5) Tháng Mười Hai năm 1974, sau khi Hoa Kỳ đã hoàn tất việc rút lui về mặt quân sự ra khỏi Miền Nam Việt Nam, Tổng Bí Thư Lê Duẩn của Ðảng Cộng Sản Việt Nam tuyên bố: “Bọn Mỹ đã rút đi... đây là biến chuyển đánh dấu thời cơ của chúng ta.”

(6) Theo Wikipedia, truy cập ngày 14 Tháng Sáu năm 2008, trong cuộc chiến đấu để bảo vệ tự do, dân chủ cho Miền Nam Việt Nam, các chiến sĩ thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã cống hiến cho đất nước những hy sinh vô cùng to lớn và cao cả mà cho tới nay vẫn chưa có gì đền đáp nổi. Theo các con số phỏng định, vào lúc kết thúc cuộc Chiến Tranh Việt Nam (1959-1975), Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa có 250,000 chiến sĩ bỏ mình và Quân Ðội Hoa Kỳ có 58,000 quân nhân hy sinh. Không có con số chính thức cho biết có bao nhiêu chiến binh Cộng Sản đã tử trận trong cuộc chiến, mặc dù con số này ít nhất cũng phải cao hơn gấp ba lần con số tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa, bởi vì họ thường phải hứng chịu hỏa lực ghê gớm của các lực lượng Ðồng Minh và Việt Nam Cộng Hòa, trong đó phải kể tới những cuộc giội bom trải thảm của các pháo đài bay chiến lược B-52, và cũng vì các cấp chỉ huy của họ, kể cả danh Tướng Võ Nguyên Giáp, vẫn ưa dùng chiến thuật biển người có tính cách thí quân trong những cuộc tấn công. (V.P.)

Anh Hung Va Chien Bai


Nguyễn Kỳ Phong
Chuyện Hai Người Lính
Ðọc Vietnam’s Forgotten Army:
Heroism and Betrayal in the ARVN

Vietnam’s Forgotten Army: Heroism and Betrayal in the ARVN
By Andrew Wiest.
New York University Press, 2007, 368 pages

Một Quân Ðội Bị Bỏ Quên: Anh Hùng và Bội Phản Trong Quân Ðội VNCH, là một cuốn sách viết về hai người lính và binh nghiệp của họ trong cuộc chiến Việt Nam. Hai người lính — trong trường hợp này là hai sĩ quan — Trung tá Phạm Văn Ðính và Thiếu tá Trần Ngọc Huế. Trung tá Ðính và Thiếu tá Huế, hai ngôi sao sáng đang lên của quân lực VNCH. Hai người đang xã thân chiến đấu chống lại một chủ nghĩa mà họ thù ghét từ lúc mới lớn. Nhưng vào những giờ cuối cùng trong đời binh nghiệp, hai người chọn hai lối đi khác nhau: Thiếu tá Huế chiến đấu đến viên đạn cuối cùng rồi bị bắt làm tù binh; Trung tá Ðính, dưới áp lực của địch, đầu hàng để khỏi bị bắt làm tù binh.


Tình tiết trong Một Quân Ðội Bị Quên giống như một cuốn tiểu thuyết, nhưng tất cả đều sự thật; đều có thể kiểm chứng được. Ðường binh nghiệp của Tr/T Ðính và Th/T Huệ gần như đi song song với nhau: cả hai là sĩ quan tác chiến; đều là chỉ huy trưởng những đơn vị vang tiếng của quân lực VNCH. Và đoạn cuối binh nghiệp của cả hai cũng giống nhau, khi bị chấm dứt trong hai trận đánh khốc liệt nhất của chiến tranh Việt Nam: Th/T Huế trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 năm 1971; Tr/T Ðính vào Mùa Hè Ðỏ Lửa năm 1972.


Tr/T Phạm Văn Ðính tốt nghiệp khóa 9, Liên Trường Võ Khoa Thủ Ðức; T/T Trần Ngọc Huế, khóa 18, Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, Ðà Lạt. Ra trường hai người về phục vụ ở miền Trung — nơi sanh ra và lớn lên của Huế và Ðính. Ðính phục vụ ở tiểu đoàn 3/trung đoàn 3/ sư đoàn 1 Bộ Binh; Huế, TÐ1/ Tr.Ð1/ SÐ1BB. Sau vài năm nếm mùi binh lửa ở vị trí thấp nhất của một sĩ quan mới ra trường, cả hai được hoán chuyển về đơn vị mới, với nhiều cơ hội thăng tiến hơn. Ðầu năm 1965, Thiếu tướng Nguyễn Văn Chuân, tư lệnh sư đoàn 1BB, quyết định thành lập một đại đội xung kích, có khả năng phản ứng nhanh để đáp ứng những trường hợp khẩn cấp ở Vùng I. Ðại đội này còn phải có khả năng trinh sát như một đại đội thám báo/ viễn thám của sư đoàn. Ðại đội tân lập đó được đặt tên Hắc Báo, nằm dưới quyền chỉ huy trực tiếp của tư lệnh sư đoàn. Và Trung úy (lên Đại úy vài tháng sau đó) Ðính được danh dự chọn làm Đại đội trưởng đầu tiên.


Ðại đội Hắc Báo của sư đoàn 1BB có lẽ là một trong những đơn vị cấp đại đội được nhắc đến tên nhiều nhất trong quân lực VNCH. Thành hình vào tháng 2-1965, đại đội có năm trung đội tác chiến (năm 1968 có sáu trung đội) ; có một đơn vị không vận cơ hữu ứng trực 24 tiếng đồng hồ một ngày, gồm năm trực thăng chuyên chở và hai trực thăng võ trang yểm trợ. Ðại đội có một toán cố vấn Mỹ và Úc Ðại Lợi đi kèm. Sự có mặt của các cố vấn ở cấp đại đội cho thấy sự quan trọng của đơn vị này: thông thường cố vấn chỉ có mặt ở cấp tiểu đoàn trở lên. Từ lúc thành hình cho đến ngày VNCH thất thủ, đại đội Hắc Báo chưa bao giờ thất bại với những công tác giao phó. Từ những công tác giải cứu phi công bị rớt trong lòng đất địch, cho đến những cuộc đột kích vào những binh trạm của CSBV ở thung lũng A Shau, ở Co Roc, hay xa hơn bên kia biên giới Lào. Ðại tướng Creighton Abrams, tư lệnh MACV, nhiều lần nhắc đến tên đại đội Hắc Báo trong những buổi họp tham mưu cuối tuần (ghi lại trong The Abrams Tapes, của Lewis Sorley). Ít có một đại đội nào của quân lực VNCH có danh tiếng vang tận đến Bộ Quốc Phòng Mỹ ở Hoa Thịnh Ðốn như đại đội Hắc Báo. Cuối năm 1971, trong cao điểm của chương trình Việt Nam Hóa, phó giám đốc Nha Nghiên Cứu và Biến Chế của Bộ Quốc Phòng, Leonard Sullivan — đang làm việc trực tiếp cho Bộ trưởng quốc phòng Melvin Lair — sang Việt Nam nghiên cứu một kế hoạch ít tốn kém để ngăn chận đường xâm nhập Hồ Chí Minh. Trong lần viếng thăm Trung tướng Hoàng Xuân Lãm và Thiếu tướng Phạm Văn Phú vào trung tuần tháng 10-1971, Sullivan cho biết Bộ trưởng đã Laird thông báo là Không Quân Hoa Kỳ sẽ không còn tài chánh để tiếp tục dội bom ngăn chận bằng B-52 vào năm tới. Thay vào đó, bộ quốc phòng Mỹ đề nghị một phương cách ngăn chận khác là dùng những đại đội như đại đội … Hắc Báo để đột kích những binh trạm của CSBV trên đuờng mòn Hồ Chí Minh! Tiếp theo, Sullivan đề nghị quân đoàn I nên lập thêm vài đại đội Hắc Báo nữa và đưa vào Vùng II để đột kích những binh trạm ở vùng ba biên giới Việt-Miên-Lào. Nhưng hai vị tư lệnh quân đoàn và sư đoàn cho biết họ chỉ có thể thực hiện lời yêu cầu nếu có lệnh từ Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH. Hơn nữa, nhân sự của đại đội Hắc Báo không phải dể có. Trung tá Nguyễn Xuân Lộc, trưởng Phòng 2 Sư Ðoàn 1BB, cho biết nhân sự của Hắc Báo đến từ hai đại đội thám báo của trung đoàn 3 và 54. Nghĩa là hai trung đoàn này không có đại đội thám báo như hai trung đoàn 1 và 2 của SÐ 1BB, để có chổ cho nhân sự của đại đội Hắc Báo. Tóm lại, lập ra một đại đội như đại đội Hắc báo không phải là chuyện đơn giản (Ðọc thêm: Ðiện tín của Trung tướng Welborn G. Dolvin, tư lệnh Quân Ðoàn XXIV, gởi Đại tướng Creighton Abrams, tư lệnh MACV. Secret DNG 2997 Eyes Only, 20 October 1971. Subject: Visit to MR 1 of Mr. Leonard Sullivan; về vai trò của Phó giám đốc Leonard Sullivan, đọc Bernard C. Nalty, The War Agaisnt Truck.). Liên hệ và thành tích của Ðính với đại đội thiện chiến và lừng danh như Hắc Báo, làm độc giả khó giải thích được hành động đầu hàng CSBV sau này của ông.


Trong thời gian Ðính chỉ huy đại đội Hắc Báo, Trung úy Huế, sau khi tốt nghiệp khoá sình lầy ở Mã Lai Á, được về làm sĩ quan tùy viên cho Tướng Chuân ở Sư Ðoàn 1BB. Cùng phục vụ cho một vị tư lệnh, Ðính và Huế thường gặp nhau, tìm hiểu về nhau. Sau những biến động liên tục ở miền Trung năm 1966; sau nhiều lần tư lệnh của Quân Ðoàn I và Sư Ðoàn 1 BB bị thay đổi, nhiệm sở của Ðính và Huế cũng bị thay đổi theo, nhưng thay đổi theo chiều hướng khả quan. Khi Chuẩn tướng Ngô Quang Trưởng về coi SÐ 1 BB, ông đề bạt Ðính về làm tiểu đoàn trưởng TÐ 2/ Tr.Ð 3, kiêm luôn quận trưởng Quảng Ðiền. Nhiệm vụ của Th/T Ðính lúc đó là vừa đáng giặc, vừa bình định. Về phần Huế, dù có chọn lựa để được thuyên chuyển một đơn vị không tác chiến, để hưởng thụ một đời sống gia đình (vừa mới lấy vợ), anh xin đổi về một đơn tác chiến: đại đội Hắc Báo. Về làm Đại đội phó Hắc Báo được chừng hai tháng thì Tướng Trưởng bổ nhiệm Huế làm Đại đội trưởng, thay vào chổ của Ðính. Một lần nữa, Huế và Ðính lại làm việc chung cho một ông thầy, cùng ở chung một sư đoàn. Sự liên hệ, quen biết liên tục đó làm tăng thêm ngỡ ngàng về sau, sau khi hai người trở thành kẻ thù — dù kẻ thù trong yên lặng.


Trong hai năm 1968 và 1969, phục vụ ở Sư Ðoàn 1BB, đường binh nghiệp của Tr/T Ðính và Th/T Huế được thăng hoa. Hai đơn vị của Huế và Ðính có công tiếp cứu bộ tư lệnh sư đoàn 1 BB của Tướng Trưởng, và một phần nào đó, có công giải tỏa thành nội và dựng lại lá cờ VNCH ở kỳ đài Ðại Nội vào trận Mậu Thân 1968. Dựa vào những gì hai nhân vật chánh trong tác phẩm kể lại, TÐ2/ 3 của Ðính là đơn vị triệt tiêu những điểm kháng cự cuối cùng của cộng sản ở kỳ đài; và đại đội Hắc Báo là đơn vị bảo vệ bộ tư lệnh Sư Ðoàn 1 BB trong giờ phút kịch liệt nhất của trận Mậu Thân. Cũng trong trận này, liên hệ của hai người gắn chặc nhau hơn khi tiểu đoàn 2/3 và đại đội Hắc Báo cùng được giao nhiệm vụ chung là giải tỏa một góc chiến trường của thành nội Huế.
Năm 1969. Trần Ngọc Huế bây giờ mang Thiếu tá, rời đại đội Hắc Báo về coi tiểu đoàn 2/2; trong khi đó Ðính đã là Trung tá, vẫn còn coi tiểu đoàn 2/3. Năm 1969 tiểu đoàn của Tr/T Ðính liên quan đến một trận đánh mãnh liệt, nhưng không được bao nhiêu báo chí nhắc đến: Trận Ðộng Ấp Bia — mà báo chí và các quân nhân tham dự đặt cho một tên rất biểu tượng là Ðồi Hamburger Hill (Thịt Bằm). Theo báo chí và phần lớn sách sử về chiến tranh Việt Nam, trận Hamburger Hill kết thúc khi lính của một trong ba tiểu đoàn Nhảy Dù Mỹ — sau hơn 10 ngày giao chiến ác liệt — triệt tiêu những lô cốt cuối cùng của trung đoàn 29 CSBV trên đỉnh đồi cao 937 thước và làm làm chủ ngọn đồi. Nhưng theo tác giả Wiest, và theo một số sử liệu chúng ta có thể tìm được, thì tiểu đoàn 2/ trung đoàn 3 của Trung tá Ðính là đơn vị lên được đỉnh đồi trước nhất. Trận đánh này, lúc khởi đầu, chỉ có một tiểu đoàn Nhảy Dù Mỹ phục trách, nhưng sau hơn một tuần quần thảo, bộ tư lệnh Sư Ðoàn 101 Nhảy Dù quyết định lấy ngọn đồi bằng mọi giá. Tướng Trưởng, trong tinh thần hợp tác Việt-Mỹ, gởi tiểu đoàn 2/3 của Trung tá Ðính để phụ lực vào cuộc tấn công cuối cùng. Bốn tiểu đoàn đánh bốn hướng từ chân đồi lên, và lính của tiểu đoàn 2/3 có mặt trên cao điểm của đỉnh đồi trước nhất. Trong tác phẩm, tác giả Wiest trích lời của Đại tướng Abrams trong buổi họp tham mưu ở MACV ngày 24 tháng 5-1969. Tướng Abrams nói tuy các cơ quan truyền thông nói là lính Nhảy Dù Mỹ chiếm được ngọn đồi, nhưng ông có tin riêng nói lính VNCH là đơn vị được vinh dự đó (Tác giả Wiest trích lời của Abrams trong The Abrams Tapes của tác giả Lewis Sorley. Cũng trong buổi họp đó, Tướng Abrams có nhắc lại chuyện đại đội Hắc Báo và trận đánh chung quanh kỳ đài thành nội Huế năm 1968). Ðiều đáng tiếc, tác giả Wiest kết luận, là đơn vị VNCH không được tuyên dương như sự thật đã xảy ra.


Sau trận Hamburger Hill Tr/T Ðính về làm sĩ quan hành quân cho bộ tư lệnh Sư Ðoàn 1BB Tiền Phương (Ðây là một đơn vị gồm trung đoàn 2/ SÐ1BB và một lữ đoàn TQLC VNCH, được lập ra để trám vào chổ của những đơn vị TQLC Mỹ rút đi trong chương trình Việt Nam Hóa. Ðơn vị này nằm dưới quyền chỉ huy của Đại tá Vũ Văn Giai, Tư lệnh phó sư đoàn). Thiếu tá Huế thì vẫn coi tiểu đoàn 2, trung đoàn 2, đóng quân sát vùng giới tuyến. Là một đơn vị nằm dưới quyền điều khiển của SÐ 1 BB Tiền Phương, con đường binh nghiệp của Huế và Ðính lại gặp nhau. Tháng 5-1970, Tướng Trưởng yêu cầu Đại tá Giai đưa Trung tá Ðính về trung đoàn 54/ SÐ1BB với chức vụ trung đoàn phó. Trong khi đó Huế và tiểu đoàn 2/2 vẫn hoạt động ở hướng bắc Ðông Hà.
Ở chương 4 của tác phẩm, chương nói về thành tích của Huế và Ðính trong năm 1968, tác giả Andrew Wiest đặt tên là, “Thời của Những Người Hùng.”


Chương 4 ghi lại một số dữ kiện để đưa độc giả đến hai chương nồng cốt 8 và 9, làm tiền đề cho quyển sách: anh hùng và bội phản. Chương 8 “Shattered Lives and Broken Dreams: Operation Lam Son 719,” nói về giấc mơ chiến thắng của Huế bị tan vỡ— và những mảnh vụng của cuộc đời theo sau đó. Và chương 9, “The Making of a Traitor,” nói về sự phản bội của Trung tá Ðính khi ông đầu hàng cộng sản vào năm 1972 trong trận Mùa Hè Ðỏ Lửa. Ở chương này, tác giả Wiest đã cố gắng giải thích những sự kiện và hoàn cảnh chung quanh quyết định đầu hàng của Tr/T Ðính.


Giấc mơ chiến thắng của Thiếu tá Trần Ngọc Huế tan vỡ vào mùa Xuân năm 1971 ở Hạ Lào. Ðầu tháng 2-1971, khi cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh qua những căn cứ hậu cần của CSBV trên đường xâm nhập Hồ Chí Minh xảy ra, đơn vị của Th/T Huế vẫn còn hoạt động ở vùng phi quân sự, và trung đoàn 54 của Tr/T Ðính vẫn lo an ninh ở phía nam cố đô Huế. Mặc dù Sư Ðoàn 1BB là một trong ba lực lượng chính của cuộc hành quân, trong thời gian đầu BTL Sư Ðoàn 1BB chỉ xử dụng hai trung đoàn. Nhưng đến cuối tháng 2, tình hình thay đổi bất lợi ở mặt trận Hạ Lào. Sau cuộc hội thảo với Tổng thống Thiệu ở Sài Gòn ngày 28 tháng 2, Tướng Hoàng Xuân Lãm quyết định thay Sư Ðoàn Nhảy Dù bằng Sư Ðoàn 1BB, làm đơn vị chính đánh vào Tchepone. Ngày 2 tháng 3 đơn vị của Huế, TÐ 2/2; TÐ 3/2; và một ban tiền trạm của trung đoàn 4 được trục thăng vận đến Khe Sanh để chuẩn bị nhảy vào Tchepone. Sau khi các tiểu đoàn của trung đoàn 1 liên tiếp thiết lập các cứ điểm dây chuyền Lolo, Liz và Sophia ở hướng nam dẫn về Tchepone để chuẩn bị cho mục tiêu chánh. Ngày 6 tháng 3, TÐ 2 và 3 của trung đoàn 2 nhảy vào Tchepone theo đúng lịch trình của kế hoạch. Hơn 120 trực thăng đưa hai tiểu đoàn 2/2 và 3/2 vào cứ điểm — một bãi đáp trực thăng — có tên là Hope ở hướng bắc của Tchepone. Chỉ gặp một vài kháng cự nhỏ sau khi đổ quân, tiểu đoàn của 2/2 của Th/T Huế bung ra lục soát và tiến vào Tchepone. Ðến ngày 8, tiểu đoàn 2/2 báo cáo họ đã nằm bên trong thị trấn. Sau hai ngày lục soát, thay vì hai tiểu đoàn sẽ được trực thăng vận ra khỏi Tchepone như kế hoạch nguyên thủy, Tướng Lãm ra lệnh cho tiểu đoàn của Huế tiến sâu về phía nam, vượt qua sông Xe Pone, rồi hành quân lục soát về hướng các cứ điểm Sophia, Liz, và LoLo. Tại đây họ sẽ nhập chung với quân của trung đoàn 1, rồi cả hai trung đoàn sẽ được trực thăng vận về khu vục đường 914 ở để phá hủy binh trạm 33. Sau khi hành quân ở đó từ bảy đến mười ngày, Sư Ðoàn 1 BB sẽ theo thứ tự rút về biên giới Việt Nam. Tại sao lại có sự thay đổi trái ngược như vậy? Tại sao không “nhảy vào Tchepone ... đái một cái rồi nhảy ra …” như những gì báo chí đã viết về mục đích của cuộc đột kích vào Tchepone như chúng ta thường đọc qua? Theo tác giả Wiest, phấn khởi vì những chống trả yếu ớt của địch ở chung quanh Tchepone, Tướng Lãm quyết định kéo dài nhiệm vụ của trung đoàn 1 và 2 thêm 10 ngày nữa. Ðây không phải là ý kiến riêng của Tướng Lãm. Những tài liệu giải mật sau này cho thấy, ba ngày sau khi quân VNCH đặt chân xuống Tchepone, Tướng lãm bay về Sài Gòn họp với tổng thống Thiệu và Đại tướng Cao Văn Viên. Trong buổi họp ngày 9 tháng 3, Tổng thống Thiệu muốn TQLC và Sư Ðoàn 1BB bỏ ra bảy đến 10 ngày hành quân ở khu vực đường 914/ binh trạm 33, một vị trí khoảng chín cây số tây nam căn cứ Bản Ðông/ A Loui trên đường 9 (Ðiện văn, Top Secret MAC 02455 Eyes Only, Đại tướng Abarms gởi Trung tướng Sutherland, 9 March 1971; điện văn, Top Secret QTR 0306 Eyes Only, Trung tướng Sutherland gởi Đại tướng Abarms, 10 March 1971).


Ngày 11, từ bải đáp Liz, tiểu đoàn 2/2 của Huế được trực thăng vận đến bải đáp Brown ở khu vực đường 914. Tại đây tiểu đoàn lục soát về phía nam cho đến ngày 14. Nhưng ngày 14 tháng 3 cũng là ngày địch quân đồng loạt phản công trên mọi hướng. Ðến hôm đó, CSBV đã tụ đủ quân để tấn công liên tục vào tất cả căn cứ hỏa lực hay bãi đáp ở phía nam đường 9. Ở phía nam đường 9 — mặt trận của Sư Ðoàn 1 BB và Lữ Ðoàn 147 TQLC — cộng quân có Sư Ðoàn 2 và 324B, cộng với hai binh trạm (một binh trạm tương đương một trung đoàn), một số quân hơn là đủ để ngăn chận mọi kế hoạch rút quân của VNCH. Từ sáu giờ sáng ngày 14, cứ điểm LoLo và chung quanh phía nam Tchepone, bốn tiểu đoàn của trung đoàn 1 bị CSBV tấn công liên tục. Ðến ngày 17 trung đoàn quyết định phải di tản. Tiểu đoàn 4/1 ở lại chận hậu cho ba tiểu đoàn kia được trực thăng vận khỏi mặt trận. Khi đến lượt TÐ 4/1 di tản, trung đoàn phải yêu cầu B-52 đánh bom cách vị trí tiểu đoàn chừng 500 mét (so với khoảng an toàn thông thường là 1.000-1.500 mét) để ngăn chận những đợt tấn công của cộng quân, hầu có thì giờ lên trực thăng. Nhưng tiểu đoàn chỉ có 83 quân nhân thoát khỏi LoLo; tiểu đoàn phó và tiễu đoàn trưởng thì ở lại LoLo vĩnh viễn. Cùng ngày, ở khu vực đường 914, bốn tiểu đoàn của trung đoàn 2 cũng chuẩn bị rời mặt trận. Ngày 18, TÐ 5/2 được bốc về Khe Sanh trước, trong khi ba tiểu đoàn 2, 3, và 4 được lệnh di chuyển theo hướng đông về cứ điểm Delta I để tiếp tục được di tản. Trên đường về Delta I, ba tiểu đoàn chạm địch liên tục. Khi biết không thể tiến về điểm hẹn ở Delta I, Huế cho tiểu đoàn nằm lại tại một cao điểm và dàn quân ra chuẩn bị tử thủ. Tối đêm 19, cộng quân tấn công bằng pháo và hỏa tiễn trước, tiếp theo đó là quân bộ binh có trang bị súng phun lữa ồ ạt xung phong. Trưa ngày 20, trung đoàn xin bộ tư lệnh tiền phương ở Khe Sanh, bằng mọi cách phải cho trực thăng phải hạ cánh di tản ba tiểu đoàn còn lại trước khi họ bị tiêu diệt. Nhưng với gần 1,400 phi vụ trực thăng võ trang; 11 phi vụ B-52; và 270 phi vụ oanh tạc chiến thuật trong ngày, hỏa lực đó chỉ đủ giảm áp lực của địch đủ để trực thăng đáp xuống bốc được tiểu đoàn 3. Tiểu đoàn 2 và 4 phải chờ những phi vụ di tản ngày hôm sau. Nhưng ngày ngày hôm sau là một ngày quá trễ cho Huế và những quân nhân còn lại. Trong cao điểm của những cuộc tấn công đêm đó, Huế bị trúng đạn súng cối và ngất lịm. Trong lúc loa phóng thanh của địch vang dội những lời kêu gọi đầu hàng, bộ chỉ huy sư đoàn ra lệnh cho tiểu đoàn 2/2 phải đánh mở đường máu để di tản. Khi lính của Huế chuẩn bị đến khiêng ông đi, T/T Huế từ chối, biết rằng mình sẽ là một gánh nặng cho toán quân rút đi. Huế ra lệnh cho họ đánh mở đường máu rời mặt trận. Tiểu đoàn phó Nguyễn Hữu Cước chào vĩnh biệt Huế trước khi dẩn toán quân 60 người còn lại đánh mở đường máu rút quân. Vài phút sau, Huế trở thành một trong những tù binh cao cấp bị bắt tại mặt trận Hạ Lào. (Theo lời Th/T Huế kể lại, sau khi thành công nhảy vào Tchepone, ông được đặc cách vinh thăng Trung tá. Chuẩn tướng Phạm Văn Phú trực tiếp chuyển tin đó dến ông. Sau khi bi bắt làm tù binh, Th/T Huế khai chức vụ ông là Thiếu tá. Nhưng sĩ quan thẩm vấn của CSBV nói ông đã là Trung tá, theo những gì họ nghe được trên hệ thống truyền tin của loan truyền ngoài mặt trận của VNCH)


Ở bên kia biên giới, Tr/T Ðính theo dõi tất cả diễn biến. Trong những ngày cuối cùng của hành quân Lam Sơn 719, Ðính đưa tiểu đoàn 2 của trung đoàn 54 đến Khe Sanh để yểm trợ và đóng cửa căn cứ Khe Sanh. Nhìn những chiến tích — và chiến bại — của Lam Sơn 719, Ðính suy nghĩ nhiều về một cuộc chiến không tương lai, và thân phận của những quân nhân trong cuộc chiến. Cảm nghĩ đó, tác giả Wiest thuật lại theo những gì Tr./T Ðính kể.
Trong chương 9, “The Making of A Traitor,” tác giả Wiest viết sơ qua về cuộc tổng tấn công của CSBV vào mùa Hè năm 1972, nhưng tác giả viết sâu hơn khi nói về hoàn cảnh chung quanh việc Tr./T Ðính đầu hàng. Dựa vào những cuộc phỏng vấn với các cố vấn của trung đoàn và sư đoàn có mặt tại chiến trường; dựa vào các nhân vật — những sĩ quan trong ban tham mưu của trung đoàn 56/SÐ 3BB — còn sống, như Chuẩn tướng Vũ Văn Giai, Trung tá Trung đoàn phó Vĩnh Phong; Đại úy Nguyễn đình Nhu, trung đoàn 56; Trung úy Mai Xuân Tiểm, ban 3 trung đoàn; Thiếu tá Tôn Thất Mãn, tiểu đoàn trưởng TÐ 1/56. ... Với những lời kể của nhân chứng, Andrew Wiest viết lại hoàn cảnh đưa đến quyết định đầu hàng tập thể của trung đoàn 56 tại căn cứ Carroll. Nhưng những gì Tr./T Ðính thuật lại sau cuộc chiến có phải là những lý do để chạy tội? Ðính và hơn 600 quân nhân của trung đoàn 56/ SÐ3BB phải đầu hàng vì không còn lối thoát, vì bị bỏ rơi, hay chính Tr./T Ðính là người đã vẽ cho họ một bức tranh bi đát, rồi thuyết phục họ đầu hàng? Mỗi độïc giả sẽ là một chánh án đối với Tr./T Ðính, sau khi thẩm định sự kiện và hoàn cảnh được trình bày trong sách. Người điểm sách này xin nói trước: trước khi đọc tác phẩm Vietnam’s Forgotten Army, người viết đã có một định kiến về hành động đầu hàng của Tr./T Ðính: đó là hành động của một sĩ quan chủ bại, chưa đánh đã chạy. Và sau khi đọc tác phẩm, người viết vẫn không hoàn toàn đồng ý với lý do đầu hàng của ông Trung tá: Thông cảm? Có. Chấp nhận? Không!


Gần nửa năm sau cuộc hành quân Lam Sơn 719, để gia tăng quân số thay vào khoảng trống của các đơn vị Mỹ rút quân, tháng 10-1971 bộ tổng tham mưu thành lập Sư Ðoàn 3 Bộ Binh. Sư đoàn tân lập này chỉ có một trung đoàn làm rường cột chánh, hai trung đoàn còn lại là lính thuyên chuyển từ các đơn vị khác, tân binh tuyển mộ từ các lực lượng Nghĩa Quân, Nhân Dân Tự Vệ, hay một đôi khi là những quân nhân tòng phạm được ân xá để trở lại quân ngũ. Trong ba trung đoàn 2, 56 và 57 của Sư Ðoàn 3BB, chỉ có trung đoàn 2 lấy ra từ Sư Ðoàn 1BB, là đơn vị có kinh nghiệm chiến trường lâu nhất. Với một sư đoàn như vậy, không vị sĩ quan nào muốn nhận chức sư đoàn trưởng. Sau cùng, chuẩn tướng Vũ Văn Giai nhận chức tư lệnh sư đoàn. Theo lời ông kể, ông là một “tư lệnh kém may mắn của một sư đoàn không không ai muốn nhận.” Và khi tìm sĩ quan về chỉ huy trung đoàn, tướng Giai tìm những thuộc viên cũ đã làm việc chung với ông: Tr/T Ðính được mời về làm chỉ huy trưởng trung đoàn 56.


Cuối năm 1971 đầu năm 1972, quân đội Hoa Kỳ đã rút khỏi Vùng I. Còn lại chỉ là những đơn vị tiếp vận và cố vấn. Hơn 80 ngàn lính TQLC Hoa Kỳ có mặt ở Vùng I vào giữa năm 1969, bây giờ chỉ còn khoảng 500. Ðể phòng thủ năm tỉnh của Vùng I, tướng Hoàng Xuân Lãm cho SÐ 1BB giữ phía tây thành phố Huế; SÐ 2BB giữ ba tỉnh ở phía nam; và sư đoàn yếu nhất, SÐ 3 BB, được giao nhiệm vụ trấn giữ hai hướng bắc và tây Quảng Trị. Trung đoàn 57 phụ trách bên phải quốc lộ 1, hướng bắc Cửa Việt; trung đoàn 2, bên trái quốc lộ 1, bắc Cam Lộ; và, trung đoàn 56, phía nam đường 9, gần những căn cứ Khe Gió, Carrol, Mai Lộc. Ðể yểm trợ và phụ giúp thêm cho SÐ 3BB, Vùng I cho hai lữ đoàn TQLC đóng ở những tiền đồn dọc theo vòng cung tây nam đường 9, gần biên giới Lào, như là vòng đai phòng thủ đầu tiên cho trung đoàn 56. Vì trung đoàn 56 còn mới, để tiếp tục huấn luyện các tiểu đoàn tân lập của Tr./Ð 56, và tránh tình trạng đóng quân ù lì một chổ, tướng Giai cho thay đổi vị trí của hai trung đoàn 2 và 56 theo chu kỳ: trung đoàn này đến vùng trách nhiệm của trung đoàn kia, và ngược lại. Ðó là lối bày binh và trận liệt ở Vùng I khi CSBV đồng loạt tấn công — và CSBV tấn công vào ngay thời điểm bất ngờ và nguy hiểm nhất.


Chín giờ sáng ngày 30 tháng 3-1972 Tr./Ð 2 và 56 hoán chuyển trại và vùng trách nhiệm. Tr./Ð 56 của Ðính từ căn cứ C2 ở bắc Cam Lộ di chuyển về hướng nam, thay thế Tr/Ð 2 ở căn cứ Carroll, căn cứ hỏa lực Fuller và Khe Gió. Mười một giờ ba mươi, khi đoàn quân còn đang di chuyển, một số chưa kịp qua sông (sông Cam Lộ, trên đầu đường 9), chỉ có một đại đội tác chiến và đại đội chỉ huy vừa vào trong căn cứ Carroll thì địch quân tấn công. Pháo 130 ly của địch bắn tràn ngập các mục tiêu. Không phải chỉ có Tr./Ð 2 và 56 bị tấn công, tất cả các căn cứ trên toàn Quảng Trị bị tấn công. Ở hướng bắc SÐ 308 CSBV chia làm bốn mũi vược qua vĩ tuyến 17 đánh thẳng vào Tr./Ð 57; ở hướng tây từ biên giời Lào, SÐ 304 và một trung đoàn thiết giáp đánh vào các tiền đồn của lữ đoàn 147 TQLC ở Núi Ba Hô và Sarge. Ngày hôm đó, mặt trận bắc và tây bắc Quảng Trị hoàn toàn trong biển lửa: CSBV bắn 2.000 quả đạn chung quanh căn cứ Fuller, Khe Gió, Carroll trong tổng số 11.000 trái trong 24 tiếng đầu của chiến dịch.


Với cuộc hoán chuyển vị trí đang diễn ra khi cộng sản tấn công, ba tiểu đoàn của Tr./Ð 56 chỉ có một phần bên trong những căn cứ đã được chỉ định. Hai tiểu đoàn 1/56 và 2/56 vẫn còn kẹt giữa đường và đang bị pháo của địch quân kèm lại một chổ; tiểu đoàn 3/56 ở Khe Gió và 1/2 (tiểu đoàn 1 của trung đoàn 2, chưa rời trại khi cộng quân tấn công) ở Fuller cũng không di chuyển được vì bị pháo. Bộ binh CSBV tấn công hai căn cứ suốt ngày 30. Trưa 31, Khe Gió và Fuller thất thủ. Lực lượng ở hai căn cứ này mở đường máu rút về hướng đông nam, về căn cứ Carroll. Với hệ thống truyền tin bị phá hủy, Ðính gần như hoàn toàn bất lực trong việc điều động các cánh quân đang phân tán. Không phải chỉ có trung đoàn 56 của Ðính là nằm trong hoàn cảnh ngặc nghèo: bên trái của căn cứ Carroll, ở hướng tây và tây nam, hai căn cứ hỏa lực Núi Ba Hô và Sarge — vòng đai bảo vệ của Carroll — sắp bị tràn ngập. Mười giờ rưởi đêm 31, tiểu đoàn 4 TQLC ở căn cứ hỏa lực Núi Ba Hô di tản. Khi Núi Ba Hồ di tản thì căn cứ Sarge ở phía nam cũng không thể giữ được. Bốn giờ sáng đêm đó, sau khi khẳng định được tình hình ở hướng bắc, bộ chỉ huy TÐ 4 TQLC ở Sarge cũng rút đi. Hai toán quân TQLC đều di tản về căn cứ Mai Lộc, ba cây số hướng nam căn cứ Carroll, nơi có bản doanh của lữ đoàn 147 TQLC. Bây giờ chỉ còn Carroll và Mai Lộc nằm trên hướng tiến quân của SÐ 304 về Quảng Trị.
Ngày 31 tháng 3-1972 Tr./T Ðính liên lạc với Chuẩn tướng Vũ Văn Giai để xin tiếp viện. “Nếu không được tiếp viện, căn cứ chỉ có thể giữ được vài ngày nữa thôi.” Ðính báo cáo với Tướng Giai. “Ráng chờ, sẽ có tiếp viện,” Tướng Giai trả lời. Hôm sau, 1 tháng 4, Tướng Lãm đích thân gọi Ðính. Lạc quan vì nghĩ rằng mình sẽ có tin vui, nhưng Tướng Lãm chi ra lệnh vắn tắt, là Sư Ðoàn 3BB và Quân Ðoàn I không còn gì để tiếp viện. Trung đoàn 56 phải giữ căn cứ Carroll bằng mọi giá! Chỉ có vậy, chỉ có vậy từ người tư lệnh quân đoàn. Cùng ngày, những cánh quân di tản hay những cánh quân bị kẹt vì pháo kích lần lượt về được bên trong căn cứ Carroll, trong đó có cánh quân dưới quyền chỉ huy của Trung đoàn phó Vĩnh Phong. Tường trình của Trung tá Phong làm cho Ðính bi quan thêm: Sư Ðoàn 308 CSBV đang truy kích họ. Sự bi quan trở thành thất vọng khi tin tức qua hệ thống truyền tin cho biết hai trung đoàn 2 và 57 trên đường di tản về Ðông Hà; và bộ chỉ huy Sư Ðoàn 3 BB sẽ rời căn cứ Ái Tử về Quảng Trị để tránh tầm đại bác 130 ly của cộng quân từ bên kia sông Bến Hải bắn qua. Tối ngày 1 tháng 4, với tất cả quân di tản tụ về, căn cứ Carroll bay giờ có khoảng 1,500 tay súng trong vòng đai phòng thủ (có tường trình nói quân số bên trong căn cứ trước giờ đầu hàng là 1,800 quân).
Ðọc đến đoạn này trong Vietnam’s Forgotten Army, không ít đọc giả sẽ có chút thông cảm cho hoàn cảnh Trung tá Ðính, như tác giả Wiest ít nhiều đã có — theo sự nhận xét của người điểm sách. Chúng ta có thể thấy được sự lo sợ và hoang mang của Tr/T Ðính: Ðường tiếp viện toàn bị cắt đứt; đối diện với một lực lượng của địch lớn hơn ba đến bốn lần về nhân lực cũng như hỏa lực; và bộ chỉ huy hình như đã bỏ trung đoàn, hay sẽ dùng trung đoàn như một lực lượng tế thần để đình trệ đường tiến quân của đối phương. Trong ý nghĩ của Ðính, quân lệnh cuối cùng của Trung tướng Lãm có hàm ý như vậy.
Nhưng nhìn lại địa hình và tình hình của mặt trận ở hướng tây và tây bắc Quảng Trị, quân lệnh của Tướng Giai và Tướng Lãm không phải không có ý nghĩa. Những căn cứ nhỏ như Núi Ba Hô, Sarge, C2, C3, hay Mai Lộc có thể di tản được vì đó là những căn cứ nhỏ, không có địa hình thuận lợi để phòng thủ. Nhưng căn cứ Carroll thì hoàn toàn khác. Ðây là một căn cứ có thể cầm cự một hay là hai trung đoàn địch dể dàng.


Tên chánh thức của căn cứ là Camp James J. Carroll. Tên căn cứ đến từ tên một đại úy TQLC Hoa Kỳ tử trận trong cuộc hành quân Prarie ở khu vực đó vào năm 1966. Trong cao điểm của cuộc chiến Việt Nam, căn cứ Carroll là căn cứ pháo binh quan trọng của TQLC Hoa Kỳ ở bắc đường 9. Từ căn cứ Carroll, đại bác 175 ly của Lục Quân và đại bác nòng 8 inches của TQLC bắn yểm trợ cho căn cứ Khe Sanh (cách đó 20 cây số về hướng tây nam) và thường xuyên đấu súng với những pháo đội 130 ly của CSBV ở bên kia sông bến Hải (20-22 cây số hướng bắc). Trước khi trao lại cho quân lực VNCH, căn cứ là nơi đóng quân của bốn tiểu đoàn pháo binh Hoa Kỳ (hai tiểu đoàn của trung đoàn 12 pháo binh TQLC; hai tiểu đoàn của liên đoàn 94 pháo binh Lục Quân). Căn cứ rộng đủ để chứa hơn 2,000 quân và một vòng đai phòng thủ qui mô. Ðịa hình của căn cứ rất lý tưởng để phòng thủ: Xây theo hình ngũ giác trên một ngọn đồi trống, quân phòng thủ bên trong Carroll có thể quan sát bốn hướng: địch quân không thể tấn công bằng bộ binh mà không bị phác giác từ xa 500-1,000 mét. Ðịch quân có thể pháo kích — như họ đang làm — nhưng tấn công bằng quân bộ bịnh thì lại là một chuyện khó khăn nếu quân trú phòng quyết định tử thủ. Ngày 1 tháng 4, như đã nói ở trên, căn cứ Carroll có 1,500-1,800 tay súng bên trong và một lực lượng pháo binh gồm 26 khẩu đại bác từ 105 cho đến 175 ly, với vài chiến xa hạng nhẹ có trang bị đại bác 40 ly (loại thiết giáp tương tự như M.41, gọi là “Duster,” trang bị hai khẩu 40mm và một đại liên 30 trên pháo tháp). Nhìn từ quan điểm phòng ngự, lực lượng này có thể gây thiệt hại đáng kể cho mọi cuộc tấn công — hay ít nhất có thể cầm chân một lực không nhỏ của CSBV.


Sáng Chủ Nhật ngày 2 tháng 4, vùng I được một phi tuần B-52 yểm trợ. Bom bỏ hướng tây bắc vòng đai bên ngoài của căn cứ. Liền sau cuộc dội bom, CSBV tấn công căn cứ từ ba hướng. Nhưng với địa hình kiên cố của căn cứ, CSBV bỏ cuộc sau vài tiếng tấn công biển người. Tác giả Wiest viết, cuộc tấn công biển người bị đẩy ngoài công sự một cách dể dàng bằng mìn và súng cá nhân. Cuộc tấn công bị coi thường đến độ vị trung tá cố vấn Mỹ đang có mặt bên trong căn cứ, trả lời với tiền sát viên không quân là ông chưa cần yểm trợ không lực trong lúc đó vì không có mục tiêu nào thích đáng (đọc, Trial By Fire: the 1972 Easter Offensive, Americas Last Vietnam Battle, của Dale Andradé). Sau cuộc tấn công vào buổi sáng, Ðính gọi về bộ tư lệnh sư đoàn xin yểm trợ. ) Trung tá Cương trả lời là ông không thể trả lời cho Ðính được; và Chuẩn tướng Giai thì đang ở Ðông Hà thị sát tình hình. (Người viết bài muốn chú một chi tiết về cuộc đối thoại giữa hai Trung tá Cương và Ðính: Một độc giả đã liên lạc với Trung tá Cương (sau khi đọc bài viết này lần đầu tiên). Trung tá Nguyễn Hữu Cương, nói ông không có nhận điện thoại, và cũng không có mặt ở bộ tư lệnh sư đoàn lúc đó. Ðó là lời xác nhận của Trung tá Cương. Trong sách, tác giả Wiest trích theo sách cuả Dale Andradé. Người viết ghi chú ở đây để cảm ơn sự bổ túc của độc giả). Chuẩn tướng Giai thì đang ở Ðông Hà thị sát tình hình. Cũng như lần nói chuyện trước, không ai có một câu trả lời rõ ràng về số phận của Trung Ðoàn 56. Hai giờ trưa, cộng quân tấn công lần thứ nhì: lần này địch tiến gần được hàng rào phòng thủ hơn lần trước, nhưng vẫn không làm được gì. Trong khi cuộc tấn công đang diễn ra, Ðính nghe trên hệ thống truyền tin một sĩ quan CSBV muốn nói chuyện với ông. Người trên hệ thống truyền tin nói ông ta đang quan sát mặt trận. Ông nói số phận của Ðính và quân lính dưới quyền đang nằm trong tình trạng nguy hiểm. Nếu Ðính và quân của trung đoàn đầu hàng thì họ sẽ được đón tiếp và bảo vệ an toàn. Nếu không tất cả sẽ bị tiêu diệt. Chưa đầy một tiếng sau, một tư lệnh mặt trận lên máy truyền tin nói chuyện với Ðính một lần nữa. Người tự nhận là tư lệnh mặt trận cho biết đây là lần đề nghị cuối cùng trước khi họ tấn công. Ðính yêu cầu CSBV ngưng bắn và cho thêm giờ để quyết định. Ba giờ trưa, Ðính tập hợp 13 sĩ quan chỉ huy của trung đoàn trong hầm chỉ huy để quyết định. Ðính mở lời trước, cho biết tình thế rất tuyệt vọng. Căn cứ không thể cầm cự trước sự tấn công liên tục của địch quân. Sau đó Ðính nói ra ý nghĩ thật của mình, là “Nếu tiếp tục chiến đấu, nhiều người sẽ chết. Và nếu chúng ta có bị thương, có chết, để có được một chiến thắng, thì cũng không ai lo cho chúng ta sau đó. Chúng ta bây giờ phải tự lo lấy thân.” Tiếp theo Ðính nói về đề nghị của địch. Sau đó ông hỏi tất cả muốn tử thủ, đánh mở đường máu, hay đầu hàng? Nếu tất cả các sĩ quan có mặt đồng ý tiếp tục đánh thì ông sẽ nghe chiều theo ý họ. Trong số sĩ quan hiện diện, chĩ có Thiếu tá Tôn Thất Mãn (khóa 12 Thủ Ðức, TÐT 1/56) lên tiến đòi đánh đến cùng. Số sĩ quan còn lại yên lặng không ý kiến. Trước sự yên lặng của các sĩ quan, Ðính nói về gia đình của họ … về viễn ảnh những vui mừng khi họ được sống sót trở về. Sau đó — theo tác giả Wiest viết — họ bỏ phiếu để quyết định: tất cả đều đồng ý đầu hàng, chỉ có Thiếu tá Tôn Thất Mãn không bỏ phiếu. Với quyết định đã được đồng thuận, Ðính đi qua lô cốt của hai sĩ quan cố vấn Mỹ để thông báo. Nhưng Thiếu tá Joseph Brown và Trung tá William Camper không đồng ý. Camper đề nghị trung đoàn dùng những chiếc thiết giáp có trong căn cứ đánh bung ra vòng đai mở đường máu. Ðính không chịu, nói vô ích. “Tôi muốn giết ông Trung tá [Ðính] ngay tại chổ”, Trung tá Camper kể lại sự tức giận của ông khi Ðính nằng nặc đòi đầu hàng. Sau khi nói với Trung tá Ðính là nếu ông ta đầu hàng thì trách nhiệm của hai người cố vấn đã hết. Camper gọi về trung tâm hành quân của Sư Ðoàn 3BB cho biết “nhiệm vụ của ông ta không còn cần ở căn cứ Carroll nữa, và xin được di tản.” May mắn, một trực thăng C-47 trên đường tiếp tế đạn cho căn cứ Mai Lộc bay ngang qua đó, ghé lại bốc hai sĩ quan Hoa Kỳ và 30 người lính không chịu đầu hàng và muốn đi theo hai sĩ quan Mỹ. Khi chiếc trực thăng cất cánh thì cờ đầu hàng đã bay trên căn cứ Carroll. Trung tá Ðính dẫn toán quân 600 người ra khỏi trại đi đến điểm hẹn với địch. Bên trong, số quân không chịu đầu hàng còn lại rút đi về hướng đông. Trong nhóm quân không chịu theo Tr./T Ðính là Pháo Ðội B của TÐ 1 Pháo Binh TQLC. Ðây là pháo binh đi kèm TÐ 4 TQLC, họ đóng nhờ trong căn cứ Carroll. Theo tường trình của cố vấn Mỹ sau này, Pháo Ðội B hạ nòng đại bác xuống bắn thẳng cho đến khi bị tràn ngập. Tất cả toán quân rút đi, về đến phòng tuyến VNCH được khoảng 1,000 người, trong đó có một tiểu đoàn còn nguyên vẹn. Tối đêm đó Ðính và 600 quân đến một địa điểm gần căn cứ Khe Gió. Ở đây một sĩ quan CSBV ra đón họ. Ngày hôm sau, 3 tháng 4, Ðính lên lên đài phát thanh CSBV đọc lời kêu gọi quân nhân VNCH đầu hàng như ông đã làm.


Thiếu tá Huế bị đưa về bắc được hơn một năm thì Trung tá Ðính cũng được CSBV đem ra bắc để tiếp tục thực hiện kế hoạch tuyên truyền của họ. CSBV đề nghị Ðính gia nhập quân đội CSBV thì sẽ được phục hồi chức vụ Trung tá trong quân đội của họ. Ðính đồng ý. Ðính làm như vậy chỉ để — theo lời Ðính kể — giúp đỡ 600 quân nhân đầu hàng bị đưa về miền bắc. Những quân nhân này đang phục vụ công tác lao động ở các đơn vị hậu cần CSBV. Trở thành một sĩ quan cộng sản, Ðính có lương và nhà ở, và làm việc như một sĩ quan văn phòng ở Hà Nội. Sau này, sau khi VNCH thất thủ, Ðính đã phục vụ trong công tác tuyên truyền cho CSBV. Một trong những công tác là làm giảng viên ở những trại tập trung quân đội VNCH.


Về phần Huế, sau sáu tháng bị nhốt ở Hỏa Lò, ông bị đưa về trại tù Sơn Tây. Trong thời gian ở Sơn Tây, CSBV đưa Ðính và Trung tá Vĩnh Phong vào nói chuyện với một số tù binh. Trong buổi gặp mặt đó, bên phía tù binh VNCH ngoài Huế còn có Đại tá Nguyễn Văn Thọ và Thiếu tá Trần Văn Ðức của lữ đoàn 3 Nhảy Dù. Trong lần nói chuyện đĩ phía bên kia không thẳng lời chiêu dụ Huế và hai sĩ quan Nhảy Dù. Nhưng họ có hàm ý là nếu ba người sĩ quan đầu hàng thì sẽ có được một đời sống thoãi mái hơn là đời sống của tù binh. Sau đó, Huế và một số sĩ quan được đưa về Hà Nội để chiêu dụ thêm một lần nữa. Nhưng một lần nữa Huế từ chối không theo về bên kia. Hai năm sau, cuộc đời của Thiếu tá Huế bị thêm một “tai nạn” nữa. Sau khi Hiệp Ðịnh Paris 1973 được ký kết: Là một tù binh, tên của ông được nằm trong bản trao trả tù binh chính thức. Nhưng chỉ vài giờ trước khi được giao trả về miền nam, CSBV giữ ông lại. Vì ông bị bắt ở Hạ Lào, nên nói “một cách kỹ thuật,” ông là tù binh của Pathet Lào! Huế bị giam đến năm 1983 mới được trả tự do. Theo lời kể của Huế, trước khi gia đình ông được phép rời Việt Nam sang Mỹ, Tr./T Ðính có tìm vào Sài Gòn gặp Huế. Ðính muốn khi Huế đến Mỹ và khi gặp lại những sĩ quan cố vấn, nên giải thích hoàn cảnh đã làm cho ông phải đầu hàng —Những hoàn cảnh mà Th/T Huế cho là không chính đáng để đầu hàng.


Tài liệu căn bản của Vietnam’s Forgotten Army: Heroism and Betrayal in the ARVN đến từ phỏng vấn những nhân vật có liên quan đến sự kiện. Sử liệu trong tác phẩm không quan trọng hay mới lạ trên quan điểm sử học. Nhưng đó là sự lôi kéo của tác phẩm: tác giả tạo được một tác phẩm lý thú dựa trên những gì rất ít ông đã tìm được. Andrew Wiest là giáo sư sử học tại đại học Southern Mississippi. Ông đã có một thời gian giảng dạy tại trường Cao Ðẳng Không Quân (Air War College), nơi đào tạo sĩ quan cấp tướng tương lai cho Không Quân Hoa Kỳ. Vietnam’s Forgotten Army là tác phẩm thứ ba về chiến tranh Việt Nam của tác giả.


Không ảnh của căn cứ Carroll


Bãi đáp LoLo, 5-3-1971. Một ngày trước khi 2/2 của Th/T Trần Ngọc Huế nhảy vào Tchepone.


Hình trên: Ðại bác 175 ly ở căn cứ Carroll khi còn là căn cứ của bốn tiểu đoàn pháo binh, TQLC và Lục Quân Hoa Kỳ.



Bìa tác phẩm Vietnam’s Forgotten Army. Đại úy Trần Ngọc Huế đang được Đại tướng Abrams gắn huy chuơng. Bên phải là Thiếu tá Phạm Văn Ðính. Người sĩ quan Hoa Kỳ đứng phía sau là Đại úy cố vấn cho đại đội Hắc Báo William Joe Bolt. Bolt hồi hưu với cấp bậc Trung tướng.